Multimedia Đọc Báo in

Những thương binh vượt khó

17:07, 25/07/2017

Rời quân ngũ trở về địa phương, dù sức khỏe suy giảm và phải đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc sống đời thường, nhưng nhiều thương, bệnh binh ở huyện M’Đrắk vẫn vượt lên thương tật, tiếp tục góp sức xây dựng quê hương…

Năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt nhất, ông Lê Văn Bút (SN 1945, quê Phú Yên, hiện ở thôn 4, xã Ea Pil) đã tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 95 (tỉnh Phú Yên). Đến năm 1966, do bị địch bắn gây thương tật 30% sức khỏe nên ông Bút chuyển về tham gia du kích tại địa phương. Không lâu sau đó, vào tháng 10-1967, ông bị thương lần nữa và bị địch bắt giam (5 năm 5 tháng). Trong khoảng thời gian này, ông bị đưa đi khắp các nhà tù từ Tuy Hòa, Phú Tài cho đến Phú Quốc.

Ông Bút kể lại, thời gian bị giam ở Phú Quốc thì ông bị địch mang ra đánh 5 lần và nhốt chuồng cọp 3 lần (mỗi lần 15 ngày). “Khác với chuồng cọp kẽm gai, chuồng cọp Catso (hay còn gọi là phòng kỷ luật) được làm bằng sắt tấm bịt kín 4 mặt, có hình dáng giống chiếc container. Người tù bị giam vào đây thì tinh thần và sức khỏe sẽ giảm sút rất nhanh vì cửa khóa kín, không có ánh sáng, thiếu không khí, ăn uống khổ cực, ban đêm thì lạnh thấu xương, ban ngày thì nóng như thiêu đốt…”- ông Bút nhớ lại. Sau Hiệp định Paris, tháng 5-1973, ông được địch trao trả tù binh tại sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), sau đó ông ra Bắc học tập rồi vào tỉnh Lâm Đồng công tác. Đến năm 1983, do sức khỏe yếu nên ông về lại Phú Yên, năm 1995 vợ chồng ông chuyển tới Ea Pil sinh sống.

Ông Nguyễn Hy Vọng chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Ông Nguyễn Hy Vọng chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Đến vùng đất mới, vợ chồng ông không có tài sản gì lớn trong tay, bản thân ông là thương binh hạng ¾, mất 41% sức khỏe, con cái lại không có (do ông bị di chứng từ chiến tranh). Tuy vậy, ông vẫn  chăm chỉ lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình; tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương. Được tín nhiệm bầu Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn 4, ông đã tích cực tuyên truyền hội viên chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; chú trọng việc tổ chức sinh hoạt Chi hội có nền nếp, chất lượng; thăm hỏi, động viên kịp thời khi hội viên ốm đau… Bên cạnh đó, ông cũng nhiệt tình giúp hội viên làm thủ tục vay vốn ngân hàng; chia sẻ kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được… để giúp đồng đội vươn lên thoát nghèo.

Chia tay ông Lê Văn Bút, chúng tôi về xã Ea Lai, hỏi thăm nhà ông Nguyễn Hy Vọng (SN 1958, quê Hà Tĩnh, hiện trú thôn 1, xã Ea Lai) thì hầu như ai cũng biết, bởi ông là một trong những thương binh điển hình trong làm kinh tế giỏi của địa phương. Trong ngôi nhà hai tầng rộng rãi, thoáng mát, hướng mặt về những vườn tiêu xanh mướt mắt, ông Vọng tự hào khi nhắc về những kỷ niệm chiến trường. Năm 1977, sau khi huấn luyện, ông vào chiến trường mặt trận Tây Nam, biên chế ở Đại đội 15, Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4). Những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông bị thương 3 lần với tỷ lệ thương tật 45%. Đến năm 1982, ông phục viên, về quê hương xây dựng gia đình rồi vào huyện M’Đrắk sinh sống.

Nhớ lại thời kỳ gian khó cách đây hơn 30 năm, ông Vọng tâm sự: “Hai vợ chồng đi xây dựng vùng kinh tế mới với hai bàn tay trắng, con thì còn nhỏ, giao thông thì khó khăn, mỗi khi trái gió trở trời các vết thương cũ lại gây bao đau đớn… nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà phải cố gắng, chủ động vươn lên”. Ban đầu, gia đình ông vay 15 triệu đồng để mua bò chăn nuôi, đào ao thả cá kết hợp với phát nương làm rẫy, trồng cà phê xen các loại cây ngắn ngày. Khi có thêm vốn tích lũy và mạnh dạn vay ngân hàng, gia đình ông mua thêm ruộng rẫy, đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Từ chỗ chật vật kiếm sống, đến nay gia đình ông đã có hơn 2 ha cà phê, hồ tiêu… mỗi năm cho thu nhập gần 400 triệu đồng. Một điều vui mừng đối với ông Vọng là cả 3 người con đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, trong công tác xã hội ở địa phương ông đều tham gia rất nhiệt tình, hăng hái. Sau 20 năm làm văn phòng, Phó Bí thư Đảng ủy xã rồi Chủ tịch HĐND xã Ea Lai, ông Vọng tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Để giúp đỡ hội viên cũng như người dân vươn lên, ông đã hỗ trợ dây tiêu giống, cho vay 60 triệu đồng không tính lãi, tận tình hướng dẫn kỹ thuật… cho nhiều người dân khó khăn trong xã.  

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc