Multimedia Đọc Báo in

Nhớ một thời "tuổi xanh"...

17:07, 25/07/2017

Có một thời tuổi trẻ mà những người con Đông Hưng (Thái Bình) đi xây dựng kinh tế mới ở xã Buôn Tría, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn khắc ghi trong tâm khảm. Đó là những ký ức hào hùng về năm tháng chiến tranh ác liệt. Những cô gái tuổi đôi mươi năm nào“xẻ dọc Trường Sơn”…

Lật giở từng trang ký ức thời tuổi trẻ, bà Đào Thị Thúy (SN 1949) bồi hồi nhớ lại: Khi vừa tròn 17, dù chưa đủ tuổi ra chiến trường, nhưng bà vẫn hăng hái viết đơn xin đi. Ngày 15-9-1968, bà trở thành thanh niên xung phong (TNXP)  thuộc tổng đội 44, đại đội 394, C39 nhận nhiệm vụ mở đường 22 ở Hà Tĩnh. Cuối năm 1969, bà Thúy vào Trường Sơn và được giao mở đường 10. Ở trong “rừng thiêng nước độc”, đủ loại muỗi, côn trùng cùng với thời tiết nóng lạnh thất thường, bà đã trải qua những trận ốm “thập tử nhất sinh”. Bất kể đêm ngày, bà cùng những người đồng đội đi gánh đất đá, lấp hố bom, đảm bảo sự thông suốt cho con đường huyết mạch ra chiến trường. Đến năm 1970, bà vào đường 18 để nhận nhiệm vụ trinh sát. Giọng bà Thúy chợt nghẹn lại khi nhắc đến ngày 1 tháng 5 năm 1970: “Hôm đó có 100 xe ở Hải Phòng vào để chở đường ống vận chuyển xăng và 100 xe từ Lào ra để thay thế cho các xe trên bảo dưỡng. Thời gian đó, có chiếc ôtô con đỗ giữa đường cản trở giao thông không xe nào ra vào được. Và đúng 1 giờ, ngay khúc đường 18, cây số 17, máy bay định tọa độ đánh 200 xe vào và ra gần như tan nát hết, chỉ 50 xe ra còn sống sót. Những chiếc lán đơn vị tôi đang ở cũng cháy hết. Tôi bị thương đầu, tay và chân, còn đồng đội của tôi hy sinh gần hết. Sau đó, tôi được đưa đi viện 2 tháng và an dưỡng ở Ban Xây dựng 67, đường số 10, cây số 40”. Vì vết thương ấy bà sớm xuất ngũ, là thương binh 4/4.

Những nữ cựu TNXP xã Buôn Tría gặp nhau, ôn lại kỷ niệm xưa.
Những nữ cựu TNXP xã Buôn Tría gặp nhau, ôn lại kỷ niệm xưa.

Là nữ cựu TNXP nhận nhiệm vụ giữ mạch máu giao thông thông suốt ở một trong những khu vực trọng điểm của cuộc kháng chiến - cầu Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa), bà Nguyễn Thị Thắm vẫn xúc động khi hồi tưởng lại thời khắc bi tráng nhưng đầy tự hào của dân tộc. Tháng 4-1965 bà tham gia TNXP thuộc tổng đội 93, đại đội 932. Bà Thắm mô tả khá chi tiết: “Trong cầu Hàm Rồng có 3 đường tàu hỏa, 2 đường ôtô và 2 đường bộ. Ở 2 đầu cầu là 2 quả núi cao, 1 bên quả núi có nhà máy than, còn đầu cầu phía bắc ở dưới có hầm trú ẩn chứa được 1.000 người. Khi có chuông báo động, tôi và các đồng đội sẽ rời vị trí làm việc để chạy lại hầm trú ẩn đó… Trên trời máy bay địch bắn phá ác liệt, thả bom xối xả, cứ một phút lại có một hố hom, một hố bom có khi lấp đến 10 lần”. Bà Thắm cùng các chị em TNXP luôn bám cầu 24/24 giờ để tích cực san lấp hố hom, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh nhưng lúc đó bà chỉ nghĩ “Không để con đường chi viện ra miền Nam bị đứt quãng”. Năm tháng tuổi trẻ xông pha nơi lửa đạn, phút đối diện với cái chết cận kề nhất với bà Thắm là một ngày cuối tháng 3 năm 1967, quân ta bị bỏ bom ngay trước cửa hầm trú ẩn làm 10 người chết, 20 người bị thương trong đó có bà. Đến nay, vết thương sau lưng vẫn còn hành hạ bà Thắm.

Đi TNXP khi tuổi đời còn trẻ, nên có những kỷ niệm rất hồn nhiên khiến bà Vũ Thị Kiểng (SN 1952) nhớ mãi. Tháng 1 năm 1969, bà Kiểng tham gia lực lượng TNXP, biên chế C443, đơn vị 44, tổng đội 768, được phân công gác trạm Barie (ở cây số 9, đường 10, Quảng Bình). Trong lần gác đầu tiên, bà ngủ quên khiến đường bị ách tắc, cả chục xe bị đứng lại… Bà Kiểng còn kể về bữa ăn của những TNXP, đôi khi chỉ là một nắm rau rừng với ít nước lã. Nhưng món ăn bà nhớ nhất là một nồi cháo đặc biệt của người Quảng Bình có gạo tấm, mùng, mắm ruốc và rất nhiều ớt. Lần đầu ăn thì có cảm giác sợ, nhưng sau này, hương vị đó làm bà nhớ mãi và mong được ăn lại một lần nữa”.

Có những hy sinh mất mát, cũng có những giây phút hồn nhiên, yêu đời của tuổi trẻ… Tất cả ký ức đó là điểm tựa để những người như cô Thúy, cô Thắm và cựu TNXP khác vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống. 

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc