Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng trong phong trào đoàn kết tập hợp thanh niên

08:25, 25/09/2017

Mở rộng và tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, nâng cao chất lượng phong trào cơ sở luôn được Đoàn thanh niên thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) quan tâm thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Để đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tích cực phát triển kinh tế, Đoàn thị trấn đã phát động thực hiện cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng”, xây dựng kế hoạch và triển khai đến các chi đoàn trực thuộc; đồng thời thường xuyên tiếp cận và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đa số thanh niên ở nông thôn thường không có việc làm ổn định, nếu tổ chức Đoàn không quan tâm, tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ thì họ chỉ còn cách đi làm ăn xa… sẽ khó vận động thanh niên vào tổ chức Đoàn. Nắm bắt được nhu cầu đó, Đoàn thị trấn đã ký ủy thác cho 9 tổ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; thường xuyên hướng dẫn ĐVTN tiếp cận nguồn vốn, cách lập dự án, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đồng thời, duy trì 2 tổ đổi công trong các chi đoàn với 22 thành viên để cùng hỗ trợ nhau sản xuất.

Công trình thanh niên
Công trình thanh niên "Sân chơi cho em" do ĐTVN thị trấn Phước An làm tặng thiếu nhi tại buôn Ea Yông A, xã Ea Yông.

Ngoài hỗ trợ vay vốn, Ban Chấp hành Đoàn thị trấn còn phối hợp với các ban, ngành vận động ĐVTN tham gia thực hiện 4 biện pháp mới về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là: Kỹ thuật mới, Ngành nghề mới, Thị trường mới và Mô hình mới. Nhờ đó, hàng chục hộ gia đình thanh niên ở địa phương giờ đã có kinh tế khá giả với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, VAC, kinh doanh và dịch vụ, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Qua nắm bắt tình hình thực tế, Đoàn đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của bí thư chi đoàn, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo thanh niên tham gia, tăng cường mối quan hệ giữa các đơn vị. Ngoài ra, Đoàn thị trấn còn thành lập câu lạc bộ Sở thích (Tôi thích) với 50 thành viên, sinh hoạt vào chiều thứ 7 hằng tuần tại Quảng trường huyện với nhiều  hình thức phong phú hấp dẫn: Dân vũ quốc tế, Sáo trúc, Beatbox, Guitar....

Vừa qua, Đoàn thanh niên thị trấn còn phối hợp tổ chức kết nghĩa giữa Chi đoàn Tổ dân phố 3 của thị trấn Phước An với Chi đoàn buôn Ea Yông A (xã Ea Yông), thông qua đó tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: làm công trình thanh niên sân chơi cho em từ các vật liệu tái chế; tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, trò chơi dân gian; giao lưu văn nghệ, thể thao; cắt tóc, bấm móng tay cho thiếu nhi... Anh Trần Đức Hậu, Bí thư Đoàn thị trấn Phước An cho biết, mô hình kết nghĩa giữa các chi đoàn tổ dân phố và chi đoàn các buôn được tổ chức nhằm mang lại niềm vui cho thiếu nhi và người dân còn nhiều khó khăn trên địa bàn; đồng thời tạo sự đoàn kết gắn bó giữa ĐVTN các chi đoàn, qua đó mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Khởi đầu mô hình điểm này, Đoàn thanh niên thị trấn sẽ tiếp tục triển khai chương trình kết nghĩa đến 15 chi đoàn còn lại để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa.

Từ các phong trào, hoạt động, tỷ lệ thanh niên tham gia tổ chức Đoàn đã có chuyển biến rõ nét. Hiện nay, toàn thị trấn có 515/706 thanh niên tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn, chiếm tỷ lệ 73%. Thời gian tới, cùng với tổ chức nhiều mô hình hay, sáng tạo ngày càng thu hút nhiều thanh niên tham gia, Đoàn thị trấn sẽ thành lập các đội hình chuyên trong phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên tự quản, đội thanh niên xung kích… góp phần đẩy mạnh công tác mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên trên địa bàn. 

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.