07:26, 06/09/2017
Mặc dù đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhưng trên thực tế, công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, nhất là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2017, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã giao chỉ tiêu phát triển gần 6.000 đoàn viên cho 21 công đoàn cấp trên cơ sở và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 275 thuộc LĐLĐ tỉnh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6-2017, toàn tỉnh mới thành lập được 23 công đoàn cơ sở (CĐCS), phát triển mới 1.583 đoàn viên, chỉ đạt 26% kế hoạch.
Theo chị Nguyễn Thị Lý, Trưởng Ban Tổ chức, LĐLĐ tỉnh, nguyên nhân chính là do hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước của tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động mang tính thời vụ, việc làm của người lao động không ổn định nên chưa thực sự quan tâm việc thành lập tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mặc dù đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở và cũng đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn “thờ ơ”. Nhiều doanh nghiệp dù có đông lao động, nhưng chỉ ký kết hợp đồng lao động với một số vị trí chủ chốt như kế toán, trợ lý giám đốc… còn các lao động phổ thông thì ký kết hợp đồng ngắn hạn, dưới 3 tháng, theo thời vụ, thậm chí không ký kết hợp đồng lao động. Đây là cách để doanh nghiệp “lách luật” không thành lập CĐCS. Bởi khi đã thành lập công đoàn, doanh nghiệp phải trích nộp kinh phí công đoàn 2% trên tổng tiền lương của đoàn viên và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ doanh nghiệp.
|
Công nhân chế biến cà phê tại Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Đắk Lắk (Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). |
Ngoài nguyên nhân trên, việc thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp khó còn do đa số người sử dụng lao động chưa nắm vững các văn bản pháp luật quy định về thành lập tổ chức công đoàn, chưa tạo điều kiện để cán bộ công đoàn gặp gỡ, vận động công nhân lao động gia nhập công đoàn, thành lập CĐCS theo quy định. Một số cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở còn ngại tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, kỹ năng vận động, thuyết phục còn hạn chế. Thêm vào đó, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24-10-2014 “Quy định về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện.
Không thể phủ nhận vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, động viên họ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thi đua lao động sản xuất, giúp doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ở một số nơi, công đoàn vẫn chưa phát huy được vai trò, vị trí cũng như sức “hấp dẫn” của mình đối với doanh nghiệp và người lao động. Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch CĐCS Chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Đắk Lắk cho biết, công đoàn công ty được thành lập từ năm 2008 với 23 đoàn viên, đến nay vẫn chưa phát triển thêm đoàn viên nào. Nguyên nhân là do người lao động và doanh nghiệp khi gia nhập công đoàn phải trích quỹ tiền lương đóng đoàn phí, kinh phí công đoàn và chỉ được giữ lại một phần để tổ chức các hoạt động, số còn lại nộp về công đoàn cấp trên. Trong khi đó, công đoàn cấp trên cũng chưa tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực thu hút người lao động tham gia. Hơn nữa, dù là đoàn viên hay không, mọi công nhân đều được công ty chăm lo, bảo đảm quyền lợi như nhau.
Để thực hiện hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở cung cấp thông tin các doanh nghiệp cản trở việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS để đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định; tăng cường hỗ trợ công đoàn cấp trên cơ sở vận động, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đối với các doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tăng cường phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật lao động cho các chủ doanh nghiệp và người lao động; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc