Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm triển khai dự án đầu tư hệ thống thoát nước khu Trung tâm hành chính huyện Cư Kuin

15:14, 07/10/2017

Cứ có mưa lớn kéo dài là khu vực Trung tâm huyện Cư Kuin và một số vùng phụ cận lại bị ngập cục bộ làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây.

Mới đây vào ngày 13-8, trên địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra mưa lớn kéo dài khoảng 3 giờ, gây ngập cục bộ tại trung tâm huyện và một số vùng phụ cận.  Trụ sở UBND xã và Trạm y tế xã Dray Bhăng bị cô lập hơn 1 giờ, hơn 44 ha cây trồng các loại như: hồ tiêu, ngô, đậu đỗ,  hoa màu… tại các xã Dray Bhăng, Hòa Hiệp và Ea Bhốk bị ngập úng. Trong đó, nhiều diện tích hoa màu khó có khả năng phục hồi và không ít diện tích hồ tiêu sau ngập úng có hiện tượng héo rũ, lá vàng, rụng…thậm chí chết cây.

Anh Phạm Tiến Chương (thôn 4, xã Ea Bhốk) cho biết, trong trận mưa lớn xảy ra vào giữa tháng 8 vừa rồi gia đình anh có hơn 1,2 ha hồ tiêu bị ngập úng. Ngay sau đó, gia đình đã sử dụng vôi bột và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để xử lý. Tuy nhiên, hiện đã có hơn 60 trụ tiêu có hiện tượng vàng lá, héo rũ, thậm chí chết cây. Trước đó, vào năm 2016, gia đình anh Chương cũng có 300/850 trụ bị chết do ảnh hưởng của ngập úng. Không chỉ riêng vườn tiêu của gia đình anh Chương mà hiện tại vườn tiêu của nhiều hộ dân khác bị ngập úng cũng có hiện tượng héo, rũ tương tự, thậm chí có một số diện tích bị xóa sổ hoàn toàn như 0,5 ha hồ tiêu của gia đình anh Phạm Bảo ở đối diện vườn tiêu nhà anh Chương.

Vườn tiêu nhà anh Phạm Tiến Chương (thôn 4, xã Ea Bhốk) đã được đào mương thoát nước sau sự cố ngập úng.
Vườn tiêu nhà anh Phạm Tiến Chương (thôn 4, xã Ea Bhốk) đã được đào mương thoát nước sau sự cố ngập úng.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cư Kuin, những khu vực này có vị trí địa lý thuộc vùng trũng, phía Tây giáp đồi cao su 19/8 thuộc Công ty TNHH MTV cao su Đắk Lắk đang vào thời kỳ tái canh, tỷ lệ che phủ thấp. Mặt khác, cơ sở hạ tầng hành chính trung tâm huyện được xây dựng với quy mô lớn nhưng chưa có hệ thống thoát nước tương ứng (mới chỉ có tuyến Kênh tiêu nước phía tây nam cơ bản hoàn thành) nên khi xảy ra mưa lớn thì nước rút không kịp, gây ra ngập úng cục bộ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Cư Kuin đã cử cán bộ xuống thống kê thiệt hại, vận động nhân dân nạo vét mương tại các vườn cây để tháo nước. Đồng thời hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng bị ảnh hưởng do ngập nước để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Huyện cũng đã hỗ trợ 17 tấn vôi bột và 3 triệu đồng/ha hồ tiêu để nhân dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, bởi tình trạng trên đã diễn ra từ năm 2014 đến nay.

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án xây dựng hệ thống thoát nước trung tâm huyện Cư Kuin với nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng. Hiện tại, UBND huyện Cư Kuin đã tiến hành mời thầu công trình, nhưng do còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên  dự kiến qua đầu năm 2018, công trình này mới có thể triển khai xây dựng. Theo thiết kế, sau khi được xây dựng xong, hệ thống thoát nước trung tâm huyện Cư Kuin cùng với tuyến Kênh tiêu nước phía Tây Nam sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Hy vọng rằng, công trình trên sớm được thi công để người dân nơi đây không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa về. 

Lê Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.