Di cư tự do ở Ea Súp: Còn lắm nỗi lo (Kỳ 2)
Kỳ 2: Bài toán sinh kế cho người dân
Để hỗ trợ, giúp đỡ người dân DCTD trên địa bàn huyện Ea Súp được an cư lạc nghiệp, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
Những giải pháp hỗ trợ lâu dài
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp cho biết, tính đến nay, toàn huyện hiện có trên 680 hộ dân DCTD chưa được bố trí sắp xếp, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã: Ea Lê, Ea Rốk, Cư M’lan, Cư Kbang.
Để hỗ trợ dân DCTD, huyện Ea Súp đang triển khai 3 dự án lớn, gồm: Dự án phát triển kinh tế xã hội, sắp xếp, tiếp nhận 400 – 500 hộ kinh tế mới xã Cư Kbang; Dự án bố trí dân cư tại các tiểu khu 249, 265, 271 (xã Ea Lê và xã Cư M’lan) đất thuộc Công ty Lâm nghiệp Cư M’lanh quản lý; Dự án quy hoạch, ổn định dân cư xã Ia Jlơi.
Tại xã Cư Kbang, năm 2014, huyện đã tiếp nhận 532 hộ với trên 2.500 khẩu vào tiểu khu 204 và 207, thành lập 3 cụm dân cư 8, 9, 10 với tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 70,9 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ hơn 53 tỷ đồng. Trong năm 2016, huyện đã đầu tư 1 tỷ đồng để bổ sung hệ thống điện sinh hoạt cho người dân ở các cụm dân cư.
Trục đường vào các thôn có dân di cư tự do ở xã Cư Kbang đã được bê tông hóa. |
Tại các cụm, do chưa đủ điều kiện để lập thôn, nên xã Cư Kbang đã quy hoạch, sắp xếp các hộ gia đình sống theo từng cụm để tạo điều kiện cho người dân “an cư lạc nghiệp”, được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời giúp trẻ em trong độ tuổi đến trường thuận tiện.
Ngoài việc ổn định chỗ ở, xã cũng đã được các cấp đầu tư phát triển giáo dục. Đến nay tại khu vực làng DCTD đã có Trường Mầm non Hoa Ban và Trường Tiểu học Lê Hồng Phong; cách làng khoảng 2 km có Trường THCS Bế Văn Đàn. Hầu hết các em đến trường đều được chính quyền, địa phương, nhà trường và các mạnh thường quân hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần (thường xuyên đến thăm, động viên, tặng quà, học bổng, dụng cụ học tập…). Bên cạnh đó, hệ thống đường liên thôn cũng đã được đầu tư sửa sang, xây mới giúp giao thông thuận lợi để người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Song song với đó, các cấp chính quyền, địa phương còn thường xuyên tuyên truyền vận động người dân giữ gìn an ninh trật tự; tạo điều kiện hướng dẫn thủ tục để các hộ dân đăng ký thường trú, tạm trú tạm vắng. Chị Vừ Thị Dính (cụm 9) cho hay, gia đình chị vào đây từ năm 2011, lúc mới vào khổ lắm, giờ thì đã có đất để ở, đủ ăn, và có điện để dùng…
Vẫn là bài toán nan giải
Thời gian qua, địa phương đã có các giải pháp nhằm ổn định dân DCTD, từng bước giúp cuộc sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn đó không ít vướng mắc. Việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân theo các dự án đã được phê duyệt triển khai còn chậm, khó thực hiện do phải lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và do bị người dân lấn chiếm, không còn quỹ đất.
Tình hình dân di cư đến địa bàn các xã khác xâm canh, lấn chiếm, làm thuê theo mùa vụ, mượn đất để gieo trồng có chiều hướng gia tăng. Tại tiểu khu 286, xã Cư M’lan, trong 3 tháng năm 2017, UBND xã đã thống kê có 34 hộ chủ yếu đến từ thị trấn Ea Súp và các xã trong huyện đến canh tác. Mặc dù huyện đã thực hiện các phương án sắp xếp, ổn định, phối hợp với chính quyền địa phương nơi dân di cư đi nhưng thực tế việc này rất khó. Do quen với lối sống du canh du cư nên trước khi đến Ea Súp, nhiều hộ đã sống ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Cán bộ xã Cư Kbang (bên trái) đến nhà một hộ dân di cư tự do để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. |
Tình trạng DCTD vẫn tiếp diễn phức tạp khiến một số dự án bị vỡ quy hoạch. Đơn cử, dự án sắp xếp, tiếp nhận hộ kinh tế mới ở xã Cư Kbang chỉ có quy mô 400 – 500 hộ, nhưng đến nay đã tiếp nhận 714 hộ. Do các hộ tiếp nhận năm 2008 chưa được bố trí đủ đất sản xuất và các hộ tiếp nhận năm 2014 chưa được cấp đất sản xuất nên họ đã tiếp tục di cư vào lâm phần của Công ty TNHH Lâm nghiệp Rừng Xanh và diện tích rừng do UBND các xã quản lý để phá rừng, lấy đất canh tác, sản xuất.
Nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường, vẫn không chịu đi học, trong khi hầu hết các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các bậc phụ huynh không biết nói tiếng phổ thông, không biết mặt chữ. Như chị Lý Thị Khu (thôn 14, xã Cư Kbang) chẳng hạn, mặc dù là người cùng chồng gánh vác mọi công việc gia đình nhưng không biết tiếng phổ thông nên rất khó khăn trong giao tiếp với bên ngoài.
Bà Lê Thị Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang cho biết, do trình độ dân trí còn thấp, nhiều người dân di cư không biết tiếng phổ thông hoặc phải nói chậm thì họ mới hiểu nên việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật mất rất nhiều thời gian. Dù địa phương và các ngành, các cấp liên quan đã rất nỗ lực nhưng để ổn định đời sống cho người dân DCTD, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa…
Ngọc Quỳnh
Ý kiến bạn đọc