Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho phụ nữ nghèo phát triển kinh tế

15:38, 16/12/2017

Thông qua các chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nhiều hội viên phụ nữ, nhất là các chị em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Krông Búk đã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phát triển kinh tế nhờ vốn vay

Gia đình chị Vũ Thị Thúy Loan (thôn 8, xã Ea Ngai) thuộc diện hộ nghèo, đất đai sản xuất ít, trong khi thu nhập từ việc làm thuê cuốc mướn rất bấp bênh nên chị luôn nghĩ cách phải làm gì đó để thoát nghèo khó. Nhận thấy tại địa phương mình sinh sống có nhiều loại trái cây của các hộ dân khác có giá trị cao như bơ, sầu riêng, mãng cầu, mít… nhưng do khoảng cách từ rẫy đến các điểm thu mua trái cây xa (khoảng 15 km), cộng với việc đi lại khó khăn nên thường bị thương lái ép giá, chị lên ý tưởng mua một chiếc xe để đi thu mua trái cây, lấy công làm lãi, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, để thực hiện được ý tưởng này cần có một khoản vốn. Đang trăn trở chưa biết giải quyết thế nào thì trong buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ vào tháng 3-2017, được các chị em động viên khích lệ và bình xét để chị được vay tín chấp vốn hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk số tiền 40 triệu đồng. Nhờ số vốn này, chị đã bàn với chồng mua một xe công nông cũ và một xe máy cũ làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, còn lại một ít tiền mặt làm vốn thu mua trái cây hàng ngày.

Phụ nữ  xã Cư Pơng chia sẻ  kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Phụ nữ xã Cư Pơng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Từ công việc này, vợ chồng chị bắt đầu có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn. Mới đây, được Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh huyện cho vay 7 triệu đồng, chị tiếp tục đầu tư, mở rộng việc buôn bán. Chị Loan tâm sự, nhờ nguồn vốn vay từ các chương trình, không những giúp gia đình chị giải quyết được khó khăn của cuộc sống, mà còn là động lực để vượt qua mặc cảm, cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống để thoát nghèo bền vững.

 

“Ngoài các nguồn vốn vay trên, trong năm 2017, Hội đã vận động hỗ trợ 21 hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số tiền 278 triệu đồng. Trong đó, cấp huyện hỗ trợ 49 triệu đồng, cấp xã 54,6 triệu đồng, các chi hội 34 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện 20 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 60 triệu đồng” 

 
 
Bà Lưu Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Búk

Tương tự, từ 50 triệu đồng vốn hỗ trợ chương trình sản xuất của Ban điều phối nông thôn mới của huyện, bà Nguyễn Thị Ngoan (thôn 14, xã Pơng Đrang) đã đầu tư mở rộng xây dựng chuồng trại để nuôi thỏ. Theo bà, việc nuôi thỏ không phức tạp, nhưng đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận. Bà Ngoan chia sẻ: “Nguồn thức ăn chủ yếu là các loại lá cây trong nương rẫy của người dân. Để tránh tình trạng thỏ bị đau bụng, tất cả các loại thức ăn tuyệt đối không được dính nước; nhất là vào mùa mưa, lá cây hái về phải hong thật ráo mới được cho thỏ ăn. Bên cạnh đó, chuồng trại nuôi phải cao ráo, sạch sẽ và tránh gió lùa trực tiếp”. Hiện nay, bà Ngoan có gần 300 con thỏ giống và thỏ thịt, chuyên cung cấp nguồn thực phẩm cho các nhà hàng, quán ăn, các hộ dân trong và ngoài địa phương.

Chỗ dựa vững chắc cho hội viên nghèo

Không riêng gì chị Loan, bà Ngoan mà nhiều chị em phụ nữ nghèo khác trên địa bàn huyện Krông Búk sau khi được hỗ trợ nguồn vốn đã khởi sự kinh doanh bằng nhiều mô hình khác nhau như: chị Trương Thị Ơn (xã Pơng Đrang) buôn bán cá, bà H’Ngách Brá (xã Ea Sin) chăn nuôi bò sinh sản, chị H’Lét Niê (xã Cư Pơng) bán hàng tạp hóa, chị Lê Thị Lý (xã Tân Lập) mở quán ăn sáng… Bà Lưu Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Búk cho biết: “Nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo, yếu thế, dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, Hội LHPN huyện đã ưu tiên hỗ trợ vay vốn sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển kinh tế… Với điều kiện các mô hình sản xuất, kinh doanh của hội viên phải có ý tưởng khả thi, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tiễn ở địa phương, nguồn vốn hỗ trợ không nhiều nên hầu hết chị em đều tập trung vào sản xuất, chăn nuôi và buôn bán nhỏ; tuy nhiên vẫn mang lại  nguồn thu nhập ổn định, lâu dài”.

Mô hình nuôi thỏ của bà Nguyễn Thị Ngoan (xã Pơng Đrang).
Mô hình nuôi thỏ của bà Nguyễn Thị Ngoan (xã Pơng Đrang).

Bên cạnh đó, để giúp cán bộ, hội viên có kiến thức, kỹ năng khởi sự kinh doanh, Hội đã định hướng nghề nghiệp, tổ chức tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, gặp mặt hộ kinh doanh; đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để mở rộng, nâng cao chất lượng, quản lý tốt các nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất thấp. Được biết, đến nay các cấp Hội LHPN huyện đã đứng ra tín chấp cho trên 2.400 hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số tiền trên 62 tỷ đồng.

Thúy Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.