Multimedia Đọc Báo in

Chim én gọi xuân về

13:35, 20/01/2018
Hằng năm, cứ độ cuối tháng 12 dương lịch, trên bầu trời vùng quê Đắk Lắk xuất hiện nhiều đàn chim én bay lượn báo hiệu mùa xuân sắp về.

Bà Nguyễn Thị Xuân (thôn 9, xã Ea Lê, huyện Ea Súp) cho hay, khi người dân bắt đầu xuống đồng xạ lúa cũng là lúc đàn chim én từ trong rừng bay về lượn khắp cánh đồng. Thời điểm chim én tập trung đông nhất là vào buổi sáng sớm. Chúng bay theo từng đàn, mỗi đàn cả trăm, ngàn con phủ kín cánh đồng, có khi bay ngang đâm trúng vào người. Chim thường bay lên, lượn xuống để bắt côn trùng ăn chứ ít khi đậu im một chỗ. Chim én bay về đây thuộc loài én bụng trắng, mình dài bằng khoảng gang tay người lớn,  màu xanh sẫm, mỏ ngắn, nặng từ 2-3 lạng, có đuôi khuyết sâu, khi bay sải cánh rộng. Chúng chủ yếu ăn côn trùng bay như cào cào, châu chấu, ruồi, muỗi, chuồn chuồn, mối cánh, rầy lúa… nên rất hữu ích cho nhà nông. Người dân cũng hay để ý cách bay lượn của én để dự đoán thời tiết. Khi én bay là đà dưới đất nghĩa là trời sắp có mưa, ngược lại én bay cao chứng tỏ trời quang mây tạnh. Tuy nhiên, chim én bay về dù nắng hay mưa người dân đều vui mừng vì “đất có lành, chim mới đậu”.

Chim én bay lượn khắp cánh đồng Ea Lê, huyện Ea Súp.
Chim én bay lượn khắp cánh đồng Ea Lê, huyện Ea Súp.

Chim én là loài chim thiên di, có tốc độ bay thuộc loại nhanh nhất các loài chim với vận tốc từ 113km/h - 185km/h. Én chủ yếu sinh sống ở phương bắc, vào mùa Đông giá rét, chúng thường bay về phương nam ấm áp để kiếm mồi, bắt cặp, làm ổ, ấp nuôi con cho cứng cáp suốt 3 tháng rồi mới quay về “bản quán”. Ở Đắk Lắk, chim én thường về bay hai lần, tương ứng với hai mùa Thu – Xuân trong năm, nhưng mùa Xuân, én tập trung về nhiều nhất.

Hỏi thêm về loài chim én, cụ Ngô Xuân Tịnh (71 tuổi) cho biết, trước đây chim én xuất hiện nhiều lần với số lượng lớn trong một năm. Chúng thường bay về cánh đồng kiếm ăn từ sáng sớm cho tới chiều muộn mới quay về rừng, tạo nên cảnh làng quê thanh bình. Mỗi khi chim én liệng sau gò, người già, trẻ nhỏ đều nức nô như hội vì biết mùa Xuân sắp về. Nhưng rồi thời gian dần trôi, mọi thứ thay đổi, nông thôn đang đô thị hóa mạnh mẽ, từng dãy nhà cao tầng, cột điện, nhà máy đua nhau mọc lên khiến môi trường sống lý tưởng của chim én bị thu hẹp. Chúng phải lui vào rừng sâu hoặc di cư đi nơi khác để sinh tồn nên lâu lâu mới về “cố hương” một lần. Con người cũng bị cuốn theo guồng quay công việc, điện thoại, tivi… tiện nghi đủ đầy đã quên dần tiếng én báo hiệu mùa xuân của ngày xưa. Hơn nữa, nạn săn bắt chim én đang rộ lên nhiều nơi, làm cho số lượng đàn chim giảm sút nghiêm trọng. Nếu không chung tay bảo vệ thì chẳng bao lâu nữa, những cánh én làm “đại sứ mùa xuân” sẽ chỉ còn lại trong ký ức, hoài niệm của mỗi người.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc