Multimedia Đọc Báo in

Đau đáu nỗi niềm buôn trong phố

06:14, 17/02/2018

Là đô thị hình thành và phát triển trên địa bàn cư trú của các cộng đồng dân tộc thiểu số, Buôn Ma Thuột đã tạo cho mình bản sắc riêng với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trước áp lực đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, không gian của buôn làng đang dần co hẹp lại. Giữ gìn những giá trị đặc sắc của buôn làng luôn là niềm trăn trở cho những ai yêu mến đô thị này...

Với những ai lần đầu đến Buôn Ma Thuột, sẽ rất tiếc nuối nếu không đến được buôn Akô Dhông. Người ta không thể tin và hình dung được giữa ồn ã của phố thị lại có một nơi chốn yên bình đến lạ như Akô Dhông. Có người lần đầu đến đây đã thốt lên: “Dường như khi bước qua cái cổng chào là bước vào một thế giới khác. Bên ngoài cổng chào phố xá nhộn nhịp, tấp nập bao nhiêu thì bên trong nó mọi thứ như ngưng đọng lại, chậm như hơi thở thiền...!”. Điều đó có lẽ cũng chẳng bất ngờ, bởi sự ngỡ ngàng dành cho Akô Dhông là hoàn toàn xứng đáng! Ngay như người dân thành phố này, đây cũng là một trong những nơi chốn cho những ai muốn sống chậm tìm về. Nó như một “kho báu” của Buôn Ma Thuột bởi đó là nét đặc trưng riêng có mà không phải đô thị nào cũng sở hữu được.

Nếp nhà sàn ở buôn Akô Dhông trong lòng TP. Buôn Ma Thuột.
Nếp nhà sàn ở buôn Akô Dhông trong lòng TP. Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, kéo theo những giá trị văn hóa phi vật thể đang dần bị mai một, xa rời đời sống cộng đồng, không gian kiến trúc đang dần dần bị phá vỡ, giá trị văn hóa vật thể cũng đứng trước những nguy cơ biến đổi, mất còn. Đó là nếp nhà dài chỉ còn thấp thoáng ở một vài buôn; là bến nước, rừng thiêng bị thay hình đổi dạng, biến mất không dấu vết nhường lại cho nhà bê tông, hàng quán mọc lên san sát. Buôn Akô Dhông cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy! Cho nên, những ai đã từng đến với buôn, sau nhiều năm quay trở lại cũng không thể nào tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi...

Trưởng buôn Y Dhech Kbuôr không giấu được nỗi niềm khi được gợi nhắc về những điều xưa cũ. Ông bảo, là buôn đầu nguồn của những dòng suối, nhưng bến nước của buôn thì đã biến dạng hoàn toàn, nguồn nước còn bị ô nhiễm bởi hoạt động chăn nuôi và mật độ dân cư dày đặc xung quanh con suối. Rừng nguyên sinh, những năm trước đây đã bị người dân lấn chiếm làm đất ở, chỉ còn một khoảnh nhỏ trong buôn. Diện tích cây xanh cũng đang dần bị thu hẹp, bởi hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp đã được sang nhượng, bê tông bằng nhà cửa. Cho nên ông lo lắng cho số phận của những nếp nhà sàn. Bởi nhà sàn cần nhất là không gian thoáng rộng, một khi diện tích bị thu hẹp, không còn không gian phù hợp, nhà sàn trở nên lạc lõng và biến mất là điều dễ hiểu. Ông lấy ví dụ, như ở buôn Kô Siêr còn một số nhà sàn, nhưng hai bên là nhà bê tông mọc lên san sát, nhìn thật tức mắt. Nhà dài của Ama Thuột với rất nhiều hiện vật quý như vậy nhưng cũng không giữ được, con cháu chia năm xẻ bảy đất ra bán, nhà dài làm gì còn không gian để tồn tại. Rồi ông liên hệ vui với chính ngôi nhà sàn của mình, nếu 2 con trai ông không về ở nhà vợ thì chắc gì ngôi nhà sàn được xây dựng năm 1989 của ông còn giữ được, vì phải chia đất để cho con cái cất nhà!

Liên hệ vui của Y Dhech Kbuôr nhưng lại là thực tế buồn ở các buôn làng trong lòng đô thị hiện nay, nó đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ theo vòng quay của quá trình đô thị hóa. Công cuộc đô thị hóa và hiện đại hóa đô thị đang diễn ra nhanh chóng vừa tạo nên quỹ vật chất - kỹ thuật - kiến trúc đô thị to lớn, vừa bộc lộ sự đồng nhất tương đối trong những chuẩn mực phát triển; nhưng cùng với đó là sự đơn điệu, mờ nhạt dần những sắc thái riêng. Làm thế nào để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị hiện đại văn minh nhưng vẫn gìn giữ được nét văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa là nỗi canh cánh, ưu tư của rất nhiều thế hệ lãnh đạo chính quyền nơi đây. Nỗi niềm này đã được Bí thư Thành ủy Y Thanh Hà Niê Kđăm chia sẻ bằng quyết tâm và nhiệt huyết của một người con sinh ra và lớn lên trong buôn làng khi ông quả quyết: Chính quyền thành phố đang nỗ lực kiến tạo xây dựng Buôn Ma Thuột bản sắc cả về đời sống cộng đồng thành thị lẫn về diện mạo kiến trúc từ sự gợi mở của tài nguyên thiên nhiên, sự tích lũy văn hóa bản địa và văn hóa cộng đồng đặc trưng, từ những ưu việt của kiến trúc đô thị đã được hình thành. Những chủ trương và các chương trình mở mang thành phố luôn nhất quán trong quá trình chỉ đạo, điều hành. 

Trong tổng số 44 dân tộc anh em đang sinh sống toàn tỉnh, Buôn Ma Thuột có 40 dân tộc. Sự phong phú, đa dạng về sắc tộc là nguồn “gen” quý giá để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị bản sắc của Tây Nguyên và cả nước. Vì vậy, việc bảo tồn vừa cấp thiết vừa lâu dài đã được Ban Thường vụ Thành ủy cụ thể hóa bằng Nghị quyết 03 (ban hành vào tháng 9-2016) về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Đây là khung nền tảng, quy định nhiều nội dung, công việc đặt ra, nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực từ cấp thành phố đến phường, xã cùng chi bộ thôn, buôn phải thực hiện cụ thể và có trách nhiệm. Bên cạnh đó, Thành ủy cũng xác định việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị, phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới. Đời sống của các buôn đó cũng gắn với người dân đô thị nên phải giúp họ vừa giữ được nếp sống truyền thống, vừa phải hòa mình vào đời sống văn minh đô thị. Trong đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương là có chính sách, kế hoạch phục hồi các bến nước, lễ hội dân gian, nhạc cụ, nghi thức tâm linh phù hợp với đời sống của cộng đồng, tạo sự chia sẻ trong cộng đồng cũng như sự đồng thuận của người dân sống ở khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, là tuyên truyền cho người dân thấy được giá trị bảo tồn và sự đóng góp của chính mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Để từ đó, họ tự quản lý, bảo vệ không gian kiến trúc, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của mình bằng niềm tự hào, tự tôn dân tộc...

Ghi chép của Lê Hương


Ý kiến bạn đọc