Multimedia Đọc Báo in

Nắng ấm Tây Nguyên

15:48, 15/02/2018

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) qua việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đã thổi vào luồng gió mới, góp phần đổi thay, tạo nên diện mạo tươi sáng ở các buôn làng Tây Nguyên.

“Đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế vùng DTTS

Năm 1998, ông Hồ Văn Vui (dân tộc Vân Kiều), từ Quảng Trị vào buôn Krũe (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) lập nghiệp. Mãi đến năm 2017, ông được cấp 1,5 sào lúa nước, lại còn được vay 15 triệu đồng để có thêm kinh phí đầu tư phân bón, giống cho vụ mùa đầu tiên. “Nhờ có ruộng canh tác, năm tới gia đình tôi sẽ bớt gánh nặng mua lương thực, kinh tế gia đình sẽ được cải thiện, nâng lên đáng kể”, ông Vui hồ hởi.

Còn tại buôn Jắt A và Jắt B (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc), niềm vui cũng đến với bà con DTTS người  Êđê ngay trước thềm năm mới khi họ được đón mùa xuân trên con đường khang trang, sạch đẹp. Con đường có tổng chiều dài hơn 1 km, được xây dựng từ Chương trình 135, với tổng số tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng sẽ tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi, tiêu thụ  nông sản dễ dàng hơn.

Thi công đường nông thôn tại buôn Jắt B (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) từ nguồn vốn Chương trình 135.
Thi công đường nông thôn tại buôn Jắt B (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) từ nguồn vốn Chương trình 135.

Ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), diện mạo của xã vùng biên giới cũng đang từng ngày đổi thay nhờ các dự án, chương trình của Nhà nước. Đơn cử như nhờ Chương trình 135, xã được hỗ trợ đầu tư công trình giao thông, kênh mương nội đồng, hồ đập thủy lợi như: đường buôn Trí B, Ea Mar, Ea Rông B, đập hồ trung chuyển buôn Ea Mar… Bên cạnh đó, đồng bào DTTS trong xã còn được vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề… Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào nơi đây yên tâm bám trụ, cùng đoàn kết gắn bó, tạo nên bức phên giậu vững chắc, bảo vệ biên cương.

Huy động các nguồn lực, hỗ trợ đồng bào DTTS

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 133.091 hộ đồng bào DTTS, chiếm hơn 33% dân số. Nhìn chung, đời sống kinh tế vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 62% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Trước thực trạng trên, Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, đồng loạt triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào DTTS.

Người Lào tại xã Krông Na (huyên Buôn Đôn) vui đón Tết truyền thống Bunpimây qua nghi thức đắp tháp cát.
Người Lào tại xã Krông Na (huyên Buôn Đôn) vui đón Tết truyền thống Bunpimây qua nghi thức đắp tháp cát.

Một trong những chương trình mang tính đột phá, phát huy hiệu quả, được triển khai sớm nhất đó là Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng... Triển khai Chương trình này, Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng hàng trăm kilômét đường giao thông nông thôn, nhiều công trình thủy lợi ở 106 thôn, buôn đặc biệt khó khăn của 51 xã. Chương trình triển khai rộng khắp đã tạo nên một sức sống mới, làm đổi thay mạnh mẽ bộ mặt nông thôn.

 
 Việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, bởi nó không chỉ góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào Đảng, ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc mà còn tạo ra “bệ phóng”, hỗ trợ, giúp đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu xóa nghèo bền vững”.
 
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Dec H’đơk 

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước còn được minh chứng rõ nét qua việc khẩn trương giải quyết nhu cầu bức thiết về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng thu hẹp, song Đắk Lắk vẫn nỗ lực, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cấp đất cho 9.142 hộ DTTS. Bên cạnh đó chính sách vay vốn đối với hộ DTTS đã tháo gỡ những khó khăn về vốn sản xuất, trồng trọt chăn nuôi cho người dân. Thực hiện chính sách này, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 9.900 hộ DTTS được vay với tổng dư nợ trên 62 tỷ đồng. Nhờ có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, thu nhập của các hộ DTTS được nâng cao, nhiều hộ đã có cuộc sống sung túc, khấm khá.

Một dấu ấn rõ nét cho thấy Đảng, Nhà nước đang quyết tâm ra sức, dốc toàn lực chăm lo cho vùng đồng bào DTTS, đó là tăng cường đầu tư toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong công tác chăm sóc y tế, giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm và đào tạo nguồn nhân lực trong vùng DTTS.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.