Multimedia Đọc Báo in

Nấu cơm miễn phí cho học sinh nghèo

08:45, 09/02/2018

Ở tuổi 60, nhiều người chọn niềm vui quây quần bên con cháu. Vậy mà bà Phạm Thị Thu (thôn 3, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn ngày ngày thức dậy từ 2 giờ sáng và làm việc đến 8 giờ tối để bán bún riêu buổi sáng và bán bún đỏ buổi chiều. Tiền lãi được bao nhiêu bà dành hết để nấu cơm trưa miễn phí cho các học sinh nghèo.

Bà Thu có hai cháu nội đang học tại Trường Tiểu học Lê Lai. Nhà gần trường nên các cháu hay rủ bạn về nhà ăn cơm. Qua các cháu của mình, bà Thu biết ở trường có nhiều cháu nhà xa, bố mẹ bận đi làm không đưa đón kịp, chỉ cho con 5.000 đồng ăn tạm bánh mì ngọt vào bữa trưa. Vậy là bà bảo các cháu: “Bạn nào khó khăn cứ rủ về đây, bà nấu cơm cho ăn không lấy tiền”.

Bếp cơm của bà Thu chính thức hoạt động từ tháng 9-2017 – khi năm học mới bắt đầu. Mỗi tuần, bà nấu 4 bữa từ thứ hai đến thứ năm theo lịch học của các cháu. Bữa cơm luôn có một món mặn và canh. Bọn trẻ không thích ăn cá, chỉ thích thịt và trứng cút; chúng cũng không thích ăn thịt cắt thành miếng nên bà thường dùng thịt xay, hôm thì xào, hôm thì chiên, hôm lại ram mặn với trứng cút.

Các em  học sinh  ăn cơm trưa  do bà Thu nấu.
Các em học sinh ăn cơm trưa do bà Thu nấu.

Bếp cơm của bà có hơn 20 cháu thường xuyên đến ăn. Vào mùa thu hoạch cà phê, bếp cơm của bà đón đến hơn 30 học sinh. Bà không nề hà vất vả, chỉ chăm chút sao cho các cháu ăn ngon và đủ no. Em An Thuận Êban (lớp 5 Trường Tiểu học Lê Lai) tâm sự: “Nhà em ở buôn Tơng Jú, mất hơn 20 phút đi xe đạp mới đến trường. Tan học em phải đạp xe về nhà ăn cơm rồi trở lại trường học buổi chiều nên thường bị trễ giờ. Từ ngày có bếp cơm của bà Thu, trưa nào em cũng đến ăn rồi trở lại trường nghỉ ngơi nên đỡ mệt hơn”. Còn em Phạm Đình Tín (lớp 3 Trường Tiểu học Lê Lai) cũng rất thích ăn cơm bà Thu nấu. Nhà em ở thôn 2, bố mẹ trồng rau nên bận rộn quanh năm. Từ đầu năm học, em đã qua nhà bà Thu ăn cơm cùng các bạn để bố mẹ có thêm thời gian làm việc.

Một ngày của bà Thu bắt đầu từ 2 giờ sáng với việc dọn dẹp, chuẩn bị rau, hầm xương, thịt để nấu bún bán buổi sáng. Đến 9 giờ, khi khách ăn bún bắt đầu vãn dần, bà lo nấu cơm cho các cháu. Bọn trẻ ăn xong, bà dọn dẹp và lại chuẩn bị rau, thịt để bán bún đỏ buổi chiều. Khoảng 8 giờ tối, công việc tạm xong xuôi, bà mới được nghỉ ngơi. Sợ mẹ vất vả, các con của bà đều không cho bà bán bún nhưng bà muốn tự mình làm việc kiếm tiền để duy trì bếp cơm. Vậy là, hễ xong việc, các con gái và con dâu của bà lại đến quán giúp mẹ. Con trai bà đi làm xa, thỉnh thoảng lại mang về ủng hộ một bao gạo để mẹ nấu cơm cho các cháu.

Nhiều phụ huynh khi nghe con kể, đến gặp bà cảm ơn và gửi tiền nhưng bà đều từ chối. Chỉ nhà nào có điều kiện, bà mới nhận gạo nấu cơm cho các cháu. Bà Thu quả quyết: Chừng nào còn khỏe, bà còn nấu cơm miễn phí cho học sinh nghèo.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.