Những người "nhạc trưởng"
Bằng uy tín, trách nhiệm và lòng nhiệt tình, những già làng, người có uy tín đã không quản ngại nắng mưa, vất vả, cùng đồng hành, gắn bó với bà con. Họ được ví như những “nhạc trưởng”cùng bà con hòa tấu lên bản nhạc mùa xuân tươi vui, no ấm ở mỗi buôn làng.
“Hạt nhân đoàn kết” ở buôn Ea Kdruôl
74 tuổi đời, 23 năm tuổi Đảng, ông Y Jút BKrông ở buôn Ea Kdruôl, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) được chính quyền địa phương và bà con tín nhiệm giao đảm trách nhiều vai trò: già làng, người có uy tín, chủ nhiệm Nhà văn hóa cộng đồng, thành viên Đội Công tác 253, Bí thư Chi bộ buôn.
Nhiều năm trước, cuộc sống của người dân trong buôn còn khó khăn, thiếu thốn vì chỉ độc canh cây lúa, sản xuất phụ thuộc vào trời. Vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm khi còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Ea Hrah, già Y Jút kiên trì vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tận tình chỉ bảo mọi người cách gieo sạ, làm cỏ, bón phân, tưới nước, chuyển từ canh tác lúa 1 vụ sang 2 vụ/năm. Nhờ vậy, năng suất lúa đã tăng từ 2 tạ/sào lên 4 tạ/sào, rồi đến 5-6 tạ/sào, người dân phát triển đa cây, đa con nên đời sống ngày càng được cải thiện. Không những vậy, già còn vận động các gia đình trồng thêm cây cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm; phối hợp với ban tự quản buôn tuyên truyền cho bà con hiểu lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch...
Già làng Y Yơh Kbuôr (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ xã về việc vận động người dân đóng góp làm đường giao thông. |
Để vận động người dân học và làm theo gương Bác, trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, già Y Jút luôn dành thời gian kể những câu chuyện mộc mạc, giản dị của Bác bằng tiếng Êđê. Với những thành tích xuất sắc, tiêu biểu, già đã vinh dự được nhiều lần đi Hà Nội, viếng lăng Bác, tham dự Hội nghị già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên nên càng có thêm nhiều hiểu biết để tuyên truyền, vận động bà con không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu mà chăm chỉ làm ăn, giúp đỡ nhau cùng vươn lên.
Ở thị trấn Ea Kar có 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, những năm trước đây, tình hình an ninh chính trị khá phức tạp. Với vai trò và uy tín của mình, già làng Y Jút đã phối hợp chặt chẽ với già làng, ban tự quản các buôn và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, bóc gỡ nhiều đối tượng có ý đồ gây rối, biểu tình, tổ chức vượt biên trái phép, đưa 14 đối tượng ra kiểm điểm trước nhân dân. Nhiều người sau khi quay về đã được già Y Jút thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ, giúp họ nhận ra lỗi lầm, chăm chỉ làm ăn.
Ông Y Siêr Mlô, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Ea Kar đánh giá: “Già làng Y Jút được ví như “cây đại thụ” của buôn làng. Bằng kinh nghiệm, uy tín, già đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự của các buôn trên địa bàn thị trấn”.
Ông “dân vận” ở buôn Kmrơng Prông A
Gần 20 năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận buôn Kmrơng Prông A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), người có uy tín, Chủ tịch Hội đồng già làng xã, già Y Yơh Kbuôr được người dân, chính quyền địa phương ví như ông “dân vận” của buôn làng.
Đưa chúng tôi đi thăm các tuyến đường trục buôn vừa được bê tông hóa, già Y Yơh không giấu được niềm vui: “Những con đường này đều do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Bà con mình không chỉ đóng tiền mà còn góp công, tự nguyện hiến đất, di dời hàng rào để làm đường. Tết này đi đến đâu cũng không còn lo lấm bẩn quần áo vì lầy lội, trơn trượt nữa”.
Già làng Y Jút BKrông (bìa phải) gặp gỡ, trò chuyện với người dân trong buôn. |
Từ khi có chủ trương của UBND TP. Buôn Ma Thuột và xã Ea Tu về hỗ trợ kinh phí làm đường, buôn Kmrơng Prông A đã tổ chức họp toàn thể nhân dân và từng nhóm liên gia để bàn bạc, thống nhất mức đóng góp, cách thức làm, kiểm tra, giám sát. Đối với những hộ chưa thông tư tưởng, già Y Yơh đã cùng cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể đến tận nơi tuyên truyền, vận động, phân tích lợi ích của việc làm đường, đồng thời tranh thủ những lúc tham dự các cuộc vui, hiếu, hỉ trong buôn để nói thêm cho bà con hiểu. Bằng lời lẽ chân thành, mộc mạc, gần gũi, già Y Yơh đã thuyết phục, tạo được sự đồng thuận của người dân. Ngoài khoản đóng góp chung là 200.000 đồng/hộ, mỗi gia đình còn đóng thêm 40.000 đồng cho một mét đất theo chiều ngang mặt đường. Hơn nữa, bà con còn tự nguyện di dời hàng rào, chặt bỏ cây cối để mở rộng đường từ 6 m lên 8 m theo tiêu chí nông thôn mới. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các tuyến đường ngang trong buôn đều đã được đổ bê tông hoặc thảm nhựa.
Không chỉ vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới, già Y Yơh còn cùng cấp ủy, ban tự quản và các đoàn thể duy trì đều đặn họp giao ban hằng tháng với các trưởng nhóm liên gia nhằm trao đổi những khó khăn, vướng mắc, kịp thời tìm hướng giải quyết. Đối với những vụ việc phức tạp hay những vụ xích mích, tranh chấp, bằng uy tín của mình, già đã cùng các thành viên của Hội đồng già làng gặp gỡ, tuyên truyền vận động, phân tích đúng, sai để bà con làm theo.
Với sự tận tình, trách nhiệm, am hiểu phong tục tập quán bản địa, già Y Yơh đã trở thành chỗ dựa tinh thần của người dân buôn Kmrơng Prông A. Sự tích cực của già đã góp phần giúp buôn giữ vững danh hiệu buôn văn hóa trong nhiều năm qua và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc