Những nỗi niềm ngày giáp Tết
Khi khoảnh khắc giao thừa chỉ còn đếm ngược, bước chân của những người con xa xứ cũng vội vã hơn để kịp về cùng gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên, đón chào năm mới.
Những chuyến xe ngày cuối năm
Năm nào cũng vậy, anh Phạm Văn Hà, (ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar) cũng là một trong những hành khách cuối cùng có mặt tại Bến xe khách liên tỉnh phía Bắc để về quê ăn Tết. Anh Hà tâm sự: Rời xa quê hương Ninh Bình đã hơn 20 năm nhưng hầu như Tết nào tôi cũng tranh thủ về quê. Tết quê vui lắm, từ ngày 20 tháng chạp là khắp làng trên xóm dưới đã rộn ràng. Nhà mổ heo, nhà nấu bánh chưng, bánh tét; tiếng các bà, các chị trong thôn í ới rủ nhau đi chợ, tiếng trẻ nhỏ reo vui bên những mâm cỗ cuối năm náo nhiệt. Dù có đi xa mấy, ngày Tết tôi cũng muốn về quê. Có năm, do không chủ động mua vé sớm nên chiều 30 Tết tôi vẫn còn loay hoay ở bến… ”.
Cũng như anh Hà, cuối năm, anh Lê Xuân Sơn (huyện Cư Kuin) lại tất tả với ba lô, hành lý và những giỏ quà ra bến xe. Gia cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THCS, anh Sơn phải nghỉ học rời Hà Tĩnh vào Đắk Lắk để làm thuê. Trong hành trình của anh Sơn về quê ăn Tết, ngoài vốn liếng tích cóp được sau một năm lao động chăm chỉ là nỗi lo toan sau Tết. “Xa quê nhớ lắm, ai cũng mong về nhà sớm để sum họp cùng gia đình. Tết thì mỗi năm chỉ có một lần, nhưng những ngày này phải tốn rất nhiều chi phí. Làm thế nào lo cho gia đình cái Tết đủ đầy, và sau Tết vẫn dành ít tiền để trở lại đất khách làm việc cũng khiến tôi phải suy nghĩ”- anh Sơn tâm sự.
Với Lương Văn Trình, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, việc về quê ăn Tết không đơn giản. Là con trai cả trong một gia đình đông anh em nghèo ở miền quê Bình Định, mỗi dịp giáp Tết, Trình lại tất tả làm thêm. Ngoài giờ học trên lớp, Trình tranh thủ phát tờ rơi và phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới. Trình chia sẻ: “Nhà em ở quê nghèo khó lắm, đất đai bạc màu, lại mưa lũ liên miên. Năm nào em cũng tranh thủ những ngày giáp Tết ở lại làm thêm, bởi những ngày cuối năm tiền công cũng được trả cao hơn. Vất vả lắm, nhưng em muốn có thêm thu nhập giúp bố mẹ sắm Tết cho tươm tất”. Trình kể, có năm hết vé em đón xe dọc đường, hành khách phải chen chúc nhau trên một băng ghế, có người phải ngồi tạm ở đường luồng. Thế nhưng, chẳng ai than vãn, kêu ca bởi dường như ai cũng đều mải mê với suy nghĩ về bữa cơm sum họp ấm cúng của gia đình cùng niềm vui mừng, phấn khởi trước thềm năm mới.
Tâm tư của hành khách là vậy, còn với cánh tài xế lái xe chạy những chuyến cuối năm cũng lắm nỗi niềm. Hành nghề lái xe đã hơn 20 năm, gần như năm nào anh Phan Văn Hiền (49 tuổi, lái xe của nhà xe Thái Sơn, chạy tuyến Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng) cũng phải đón Tết muộn. Thông thường, chiều 29 Tết anh sẽ chở khách đi từ Buôn Ma Thuột ra Đà Nẵng rồi ở lại nhà người thân, đến mùng 2 Tết sẽ khởi hành theo chiều ngược lại. Theo anh Hiền, đây là thời điểm người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc nên trách nhiệm của những người lái xe lại càng nặng nề hơn. Để bảo đảm an toàn cho hành khách và mọi người nên anh em lái xe luôn căng thẳng và tuyệt đối cẩn thận, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Hành khách chờ khởi hành tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk. |
Đón Tết xa nhà
Được đoàn tụ cùng gia đình là mong muốn của người Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về. Thế nhưng, vì nhiều lý do, không phải ai cũng có được niềm vui sum họp với gia đình trong những ngày đầu năm mới…
Gia đình chị Lê Thị Hương ở đường Trần Quý Cáp, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột có hai con nhỏ. Do hoàn cảnh gia đình nên năm 2010 cả nhà dắt díu nhau rời miền quê lam lũ ở Thanh Hóa vào TP. Buôn Ma Thuột mưu sinh. Chị Hương làm nghề thu lượm ve chai còn chồng chị thì đi phụ hồ. Gần 10 năm xa quê, Tết này cả nhà lại không có điều kiện để về với ông bà nội, ngoại. Trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đầy 15 m2, chị Hương tâm sự: “Cứ mỗi dịp sát Tết, đi thu lượm ve chai, thấy người ta dọn dẹp, trang trí nhà cửa là mình lại mong muốn được về quê. Nhưng suy đi tính lại, chi phí cả gia đình cho một chuyến ra quê vào dịp này không phải là điều đơn giản. Nhiều khi nghe ai đó mở bài hát “Xuân này con không về” là không kìm được nước mắt…”.
Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Hương, vợ chồng anh Nguyễn Công Tuấn quê ở Bình Định năm nay cũng phải đón Tết tại phòng trọ. Anh Tuấn chia sẻ: “Làm lụng vất vả cả năm, dịp Tết tôi cũng muốn đưa vợ con về quê lắm nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép. Mỗi lần về quê, tiền tàu xe, quà cáp… phải mất hàng chục triệu đồng. Năm nay, cả nhà lại đành phải đón Tết xa quê”.
Lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh tặng quà Tết cho công nhân các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Những năm gần đây, nhiều cửa hàng, địa điểm vui chơi… phục vụ cả trong dịp Tết, thế nên nhiều nơi khan hiếm người làm. Hơn nữa, công việc ngày Tết được trả lương cao hơn nên không ít công nhân hoặc các sinh viên tranh thủ ở lại làm thêm. Năm nay, em N.T.T sinh viên năm 4, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên (quê ở Kiên Giang) quyết định ở lại Buôn Ma Thuột để vừa làm thêm, vừa trải nghiệm không khí đón Tết ở Tây Nguyên. T. cho hay: “Khi biết ý định của mình, gia đình ai cũng buồn. Thế nhưng mình nghĩ đây là dịp để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học. Chịu khó làm việc trong mấy ngày Tết cũng bằng gần tháng lương đi làm thêm những ngày bình thường...”.
Khác với những người phải tranh thủ ngày Tết để mưu sinh, em Nguyễn Thị Như, sinh viên năm thứ 6, Khoa Y dược Trường Đại học Tây Nguyên, quê Đắk Nông thì phải ở lại trực bệnh viện. “Không được ăn Tết bên gia đình cũng buồn lắm, nhưng do đặc thù của sinh viên ngành y nên em phải tuân thủ lịch nhà trường phân công. Đây là lần đầu em ăn Tết xa nhà”- Như tâm sự
Nỗi niềm Tết xa nhà
Tết là dịp ý nghĩa nhất trong năm để mọi người trong gia đình đoàn viên, quây quần bên nhau. Nhưng vẫn có nhiều người do yêu cầu công việc, xa xôi, hay đơn giản là vì không có điều kiện mà phải đón Tết xa quê.
Đắk Lắk là nơi mà nhiều người từ những miền quê khác nhau đến để sinh sống, lập nghiệp. Vẫn biết Tết Nguyên đán không còn nặng nề về nghi lễ như xưa, phương tiện đi lại cũng thuận lợi hơn, nhưng không phải ai cũng có thể về quê ăn Tết với gia đình. Tết với những người con xa quê là sự chạnh lòng, tủi thân, bùi ngùi, trống trải và nỗi nhớ bữa cơm chiều tất niên bên bếp củi đang cháy chờ nồi bánh chưng chín.
Nhiều bạn sinh viên quyết định ở lại làm thêm dịp Tết để trang trải cho cuộc sống. |
Năm nay là năm thứ hai bạn Trần Thị Thủy (quê xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đón Tết ở TP. Buôn Ma Thuột. Công việc bấp bênh, thu nhập thấp, nên dịp Tết, Thủy chỉ gửi về quê ít tiền tiết kiệm được để cho mẹ đi chợ Tết chứ không có điều kiện về ăn Tết với gia đình. Tết xa nhà với cô chỉ là bữa tiệc tất niên đơn giản cùng mấy người bạn trong phòng trọ để kể nhau nghe về Tết ở quê thời thơ ấu, những chuyện buồn vui đã qua và những dự định trong năm mới. Đó là dịp để nghỉ ngơi sau một năm tất bật kiếm sống, là cùng mấy người bạn cùng cảnh xa quê đi chợ hoa hay vào quán ăn vặt với mấy món khoái khẩu. Tết với Thủy cũng là nỗi buồn khi không được sum vầy cùng bố mẹ và mua cho hai đứa em nhỏ bộ đồ, đôi dép mới; là nỗi lo không biết mẹ ở nhà có cấy xong mấy đám ruộng sớm để dọn dẹp nhà cửa đón Tết? là sự tủi thân khi nhìn những gia đình khác sum vầy. Mỗi lúc như thế, Thủy phải cố gắng mạnh mẽ để không rơi nước mắt.
Còn chị Đào Thị Hường (quê huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) lập gia đình khi đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương rồi về nhà chồng ở xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin, nên ba năm nay đều không về quê đón Tết. Mặc dù bố mẹ cũng hiểu cho phận làm dâu xa nhà, nhưng đêm giao thừa chị vẫn có cảm giác trống trải, bùi ngùi vì nhớ nhà. Cũng may có điện thoại thông minh, chị có thể gọi điện thoại video chúc gia đình, người thân và nhìn thấy không khí đón Tết ở quê.
Những người phải thường xuyên đón Tết xa quê là công nhân tại các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do thời gian nghỉ tết ngắn, thu nhập không cao, nên nhiều công nhân ở lại Đắk Lắk ăn Tết cùng bạn bè, đồng nghiệp. Dịp này, các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân, người lao động vui Tết đón Xuân, đặc biệt là những công nhân xa quê, có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, ngày 2-1, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức Chương trình Tết sum vầy 2018 cho công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Chương trình có các hoạt động giao lưu, tiết mục văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi và đầm ấm cho công nhân nhân dịp Tết đến Xuân về. Tại đây, 200 công nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà Tết. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, dịp Tết Mậu Tuất 2018, các cấp Công đoàn sẽ thăm hỏi, tặng quà Tết, (mỗi suất quà trị giá 300 đến 500 nghìn đồng) cho 1.400 đoàn viên công đoàn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, 100% tổ chức Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức chương trình “Tết sum vầy” để chăm lo Tết cho đoàn viên và người lao động. Ngoài ra, Liên đoàn lao động tỉnh cũng sẽ tặng quà cho 500 công nhân làm việc trong đêm giao thừa. Sự quan tâm, hỗ trợ đó phần nào cũng giúp những người xa quê vơi bớt nỗi nhớ gia đình, người thân.
Hồng Chuyên - Khả Lê - Minh Thông
Ý kiến bạn đọc