Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp

06:12, 17/02/2018

Phong trào khởi nghiệp của phụ nữ đang diễn ra sôi nổi. Nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã tiếp tục khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp khá mạnh dạn trên các lĩnh vực. 

Muôn nẻo khởi nghiệp

Chúng tôi gặp chị Bế Thị Huế (tổ dân phố 9, thị trấn Krông Năng) vào những ngày giáp Tết, khi chị đang tất bật với sổ sách, kiểm kê lượng hàng hóa còn lại để kịp giao cho khách hàng. Là một trong những hội viên phụ nữ được hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ khởi nghiệp của Hội LHPN huyện, đầu năm 2017, chị đã mở đại lý độc quyền kinh doanh nước uống tinh khiết Thạch Bích. “Khi biết có chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tôi mạnh dạn đem ý tưởng của mình đề xuất với Hội và bất ngờ hơn ý tưởng đó đã nhận được sự ủng hộ. Ngoài hỗ trợ vốn, để giúp kinh doanh thuận lợi, tôi còn được Hội giới thiệu khách hàng tại các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trong huyện, chị Huế tâm sự. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng đại lý của chị Huế đã có lượng khách hàng khá ổn định. Hiện chị vẫn mong có thêm vốn để đầu tư mở rộng quy mô, phân phối nguồn hàng đến các xã trong và ngoài huyện.

Chị Bế Thị Huế (bìa trái) giới thiệu sản phẩm nước uống tinh khiết.
Chị Bế Thị Huế (bìa trái) giới thiệu sản phẩm nước uống tinh khiết.

Đến thăm gia đình chị H’Er Êban (buôn Ea Sút, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), chúng tôi đã được chị chia sẻ rất nhiều về niềm vui trong những ngày cuối năm. Tháng 8 vừa qua, chị được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng để mở một cửa hàng tạp hóa. Gia đình thuộc diện khó khăn ở địa phương, lo bữa ăn hằng ngày còn chật vật, chị chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện có nguồn vốn để kinh doanh. Từ khi có cửa hàng, gia đình có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ thật sự là nguồn động viên, khích lệ chị tiếp tục cố gắng vươn lên.

Trước đây, chị Lê Thị Rô, hội viên phụ nữ tổ dân phố 6, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ kinh doanh hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Năm 2003, nhận thấy mô hình kinh doanh cá thể không còn phù hợp với tình hình thực tế, chị đã mạnh dạn chuyển đổi cửa hàng tạp hóa Hải Hà thành lập Doanh nghiệp tư nhân thương mại (DNTNTM) Hải Hà, chính thức bước lên thương trường. Với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn gạo, thực phẩm, đồ uống và sản phẩm thuốc lá, thuốc lào, năm 2011, nhận thấy ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Búk, Krông Năng, Ea H’leo còn rất nhiều tiềm năng cho những sản phẩm mà Hải Hà đang phân phối, chị đã quyết định thành lập các chi nhánh, mở rộng thị trường. 

Đến nay, quy mô kinh doanh của DNTNTM Hải Hà không ngừng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, doanh thu hằng năm đạt từ 100 - 120 tỷ đồng và tạo việc làm cho 70 lao động, trong đó có 56 lao động nữ (chiếm 80%). 

Khơi nguồn sáng tạo

Thời gian qua, Hội phụ nữ các cấp đã có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh, khởi sự và phát triển doanh nghiệp. Nhờ vậy, trong những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng nghìn tấm gương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng. Từ khởi nghiệp thành công, nhiều chị em đã hỗ trợ tạo việc làm, giúp phụ nữ thoát nghèo và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hương (bìa trái) tham quan mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu của hội viên.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hương (bìa trái) tham quan mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu của hội viên.

Riêng trong năm 2017, thực hiện chủ đề “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng, tập trung thực hiện nhiều hoạt động tiếp sức. Đối tượng hướng đến là cán bộ, hội viên hoặc một nhóm hội viên có ý tưởng và khả năng kinh doanh để khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp phù hợp với điều kiện và tuân thủ quy định pháp luật. Mức vốn hỗ trợ từ 10-50 triệu đồng/trường hợp, thời hạn hoàn vốn từ 24-36 tháng. Đối với khu vực thành thị, các cấp Hội định hướng cho hội viên khởi nghiệp ở các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, kinh doanh, thương mại...; khu vực nông thôn tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng liên kết để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, khai thác tiềm năng du lịch ở những nơi có điều kiện.

Có thể nói, phong trào đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp như luồng gió mới khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong chị em. Mỗi người một ý tưởng, cách khởi nghiệp, phát triển kinh tế khác nhau nhưng sẵn sàng góp công, góp sức để quê hương ngày càng phát triển. Hy vọng rằng, những câu chuyện khởi nghiệp ấy sẽ tiếp tục được chị em viết tiếp cùng với những chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Hiện nay, Hội LHPN tỉnh đang chủ trì triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” với mục tiêu đến cuối năm 2025 có 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 1.200 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; thành lập 8 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; ít nhất 20 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.