Multimedia Đọc Báo in

Trân trọng vốn quý của cha ông

08:37, 20/02/2018

Cầm trên tay tập truyện cổ Bru - Vân Kiều song ngữ đầu tiên do những nghệ nhân, nhà sưu tầm ở Đắk Lắk thực hiện, chúng tôi quyết định trở lại xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) để “chia vui” cùng nhóm tác giả, với bà con nơi đây.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đang còn bề bộn những tài liệu liên quan đến văn hóa tộc người Bru - Vân Kiều, thầy giáo Bon Simon Ca Na An - giáo viên dạy môn tiếng Anh Trường THCS Ea Hiu - tác giả tập truyện khoe: “Các em học sinh và bà con Bru - Vân Kiều rất hào hứng đón đọc, thậm chí có người còn thuộc lòng tên của 12 truyện cổ trong tập sách nữa”. Như vậy, sau gần 45 năm “di dân” từ Quảng Trị vào huyện Krông Pắc lập nghiệp, những trí thức, nghệ nhân Bru - Vân Kiều ở Đắk Lắk lần đầu tiên đã làm được một việc “để đời” cho con cháu.

Còn nhớ, cách đây vài năm theo chân cán bộ văn hóa xã Ea Hiu Niang Biếch chúng tôi đến nhà một số nghệ nhân Bru - Vân Kiều để tìm hiểu về văn hóa truyền thống thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Có nghệ nhân cho biết, cộng đồng người Bru - Vân Kiều ở đây kết nối với cội nguồn bằng cách về quê gốc ở miền Tây tỉnh Quảng Trị để thăm người thân, thắt chặt quan hệ họ hàng, để mua sắm thổ cẩm, nhiều loại vật dụng thiết yếu mà ở Đắk Lắk không có; đồng thời để giáo dục con cháu luôn nhớ về quê cha đất tổ, về văn hóa truyền thống. Trong cuộc sống hằng ngày bà con cũng đã nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống bằng cách gìn giữ lối sống sinh hoạt, tập quán hôn nhân, ngôn ngữ… nhất là những câu chuyện dân gian được lưu truyền qua bao đời. Nhưng lớp người già ngày càng cao tuổi, nên cũng chẳng nhớ được nhiều để kể cho con cháu.

Thầy giáo Ca Na An đang chỉnh sửa bản thảo tập sách câu đố - tục ngữ của người Bru-Vân Kiều.
Thầy giáo Ca Na An đang chỉnh sửa bản thảo tập sách câu đố - tục ngữ của người Bru-Vân Kiều.

Là trí thức Bru-Vân Kiều, đau đáu trước nguy cơ mai một, nhạt phai dần những phong tục tập quán, nhất là những mỹ tục của dân tộc mình, thầy giáo Ca Na An ấp ủ ý tưởng sưu tầm, biên soạn, in ấn truyện cổ Bru-Vân Kiều. Ròng rã nhiều năm đến nhà các nghệ nhân Bru - Vân Kiều ở các huyện Krông Pắc, Krông Bông để nghe, ghi chép, tập hợp biên soạn, tập truyện cổ đã được xuất bản trong niềm vui sướng không chỉ riêng tác giả mà của cả cộng đồng người Bru - Vân Kiều đang sinh sống ở Đắk Lắk. Điều này được ông Ay Láo, Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Hiu ghi nhận: “Năm 1972, hơn 2.000 người Vân Kiều từ Quảng Trị đã được “di dân” vào huyện Krông Pắc lập nghiệp. Trải qua thời chiến tranh cũng như trong quá trình hội nhập hiện nay, văn hóa truyền thống của tộc người Bru - Vân Kiều có nguy cơ bị mai một. Hiện chỉ rất ít truyện cổ được cộng đồng ở đây còn nhớ, còn kể lại được bằng chính ngôn ngữ Bru - Vân Kiều. Vì vậy, việc sưu tầm truyện cổ nguyên gốc bằng tiếng Bru - Vân Kiều, sau đó dịch sang tiếng Việt để phổ biến rộng rãi trong công chúng là hết sức cần thiết”.

Trước khi sưu tầm, biên soạn tập truyện cổ Bru - Vân Kiều, năm 2013 thầy giáo Ca Na An đã phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Văn hóa tổ chức một lớp truyền dạy cồng chiêng Bru - Vân Kiều cho 18 thanh niên và nhiều người lớn tuổi trong xã. Tiếp đó năm 2014, thầy giáo Ca Na An còn đứng  ra phục dựng lễ hội mừng lúa mới của người Bru-Vân Kiều. “Càng tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân tộc mình tôi càng say mê vốn quý của cha ông. Hiện tại tôi đang tiếp tục nghiên cứu về cách phát âm chuẩn của tiếng Bru - Vân Kiều, tuy nhiên năng lực, kiến thức có hạn nên cần phải học thêm, nghiên cứu thêm mới có thể thỏa niềm đam mê. Nếu không có gì thay đổi trong năm nay tôi sẽ phát hành tập sách câu đố - tục ngữ của người Bru - Vân Kiều”, thầy giáo Ca Na An chia sẻ.

Thầy giáo Cana An (bìa trái) gặp gỡ nghệ nhân Bru -Vân Kiều để tìm hiểu về truyện cổ của dân tộc mình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thầy giáo Cana An (bìa trái) gặp gỡ nghệ nhân Bru -Vân Kiều để tìm hiểu về truyện cổ của dân tộc mình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

 

Để mọi người nhớ đến mình, con phải làm điều gì có ích cho cộng đồng”, lời căn dặn của cha luôn ở bên tai tôi. Là giáo viên, tôi chỉ có kiến thức để truyền đạt cho học sinh. Thông qua truyện cổ tôi muốn các em hình dung được nét văn hóa cổ truyền của người Bru - Vân Kiều, từ đó thêm yêu, thêm quý vốn quý của ông bà”.

 

 
Thầy giáo Ca Na An

Không như ở Quảng Trị, cộng đồng người Bru - Vân Kiều khá đông, môi trường văn hóa thuần nhất, có tính truyền thống cao lại được bảo vệ bằng rất nhiều dự án bảo tồn, người Bru - Vân Kiều ở Ea Hiu đang đối diện với nhiều thách thức của đời sống hiện đại. Minh chứng rõ nhất là trang phục truyền thống như  Xấn, Ada, khăn Đam… bằng chất liệu thổ cẩm đã trở nên cực kỳ hiếm trong đời sống hằng ngày. Các mẹ, các chị muốn có để diện trong những dịp cưới hỏi, lễ hội… phải chờ mỗi khi về thăm quê để mua hoặc gửi họ hàng mua tận chợ Khe Sanh, Hướng Hóa (Quảng Trị); những nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt, mộc… ngày càng ít người biết. Và thêm một khó khăn nữa là đời sống kinh tế của cộng đồng Bru-Vân Kiều ở Đắk Lắk hiện nay chưa khấm khá (trong hơn 500 hộ Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu thì gần hết đều là hộ nghèo và cận nghèo). 

Hành trình “tìm trong vốn quý của cha ông” của thầy giáo Ca Na An vẫn còn đó những khó khăn, rào cản. Nhưng tin rằng với niềm đam mê cháy bỏng và quyết tâm phải làm được điều gì có ích cho cộng đồng của thầy giáo Ca Na An sẽ không là quá xa vời khi mỗi buổi chiều bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn truyền thống những người lớn tuổi Bru-Vân Kiều ở Đắk Lắk vẫn diễn xướng, truyền dạy ca dao, tục ngữ, các làn điệu dân ca “Chà Chấp” (một kiểu vừa hát vừa kể) cho con cháu. 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​