Vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao việc bảo đảm vật chất, góp phần ổn định đời sống của người lao động (NLĐ). Thời gian qua, BHXH tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chung tay cùng địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Trước đây, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng quyền được đóng BHXH của NLĐ bị các doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động vi phạm như chậm nộp, trốn đóng BHXH… Điều này trước hết gây thiệt hại cho NLĐ và sau nữa là cho toàn nền kinh tế - xã hội; không những vậy, DN còn tự mình làm cho mối quan hệ giữa NLĐ và mình ngày càng trở nên mâu thuẫn. Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật của chủ DN. Do đó, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền để cả DN lẫn NLĐ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1,5 triệu người đang tham gia các hình thức BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó có trên 100 nghìn người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; trên 2 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và trên 1,4 triệu người chỉ tham gia BHYT. Nhờ làm tốt công tác quản lý, thanh, kiểm tra nên trong năm qua, BHXH tỉnh đã thu được gần 2.235 tỷ đồng tiền bảo hiểm các loại. Cùng với đó đã cấp mới gần 6 nghìn sổ BHXH, cấp lại (do mất, hỏng, đổi sổ BHXH, đổi thông tin trong sổ) gần 30 nghìn sổ. Đáng chú ý là đơn vị đã phát hành trên 1,5 triệu thẻ BHYT giúp 81,74% dân số toàn tỉnh được hưởng các quyền lợi BHYT; từ đầu năm đến nay đã có 2,41 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, với tổng chi phí chi trả trên 1 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, đơn vị đã thực hiện chi trả các chế độ BHXH, BHTN gần 1.779 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2016. Qua đó đã giúp hàng nghìn lượt NLĐ được hưởng trợ cấp, được đào tạo nghề để từng bước ổn định cuộc sống.
Trụ sở BHXH Đắk Lắk. |
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ, BHXH tỉnh đã đẩy nhanh công tác cải cách hành chính trong tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Tăng cường giao dịch hồ sơ BHXH qua mạng Internet và giao dịch điện tử (sử dụng chữ ký số) gắn liền với việc tổ chức tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại đơn vị sử dụng lao động thông qua dịch vụ bưu điện. Duy trì hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và quản lý đối tượng thụ hưởng qua hệ thống bưu điện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho đối tượng, NLĐ và đơn vị sử dụng lao động, tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội. Trong năm 2017 đã tiếp nhận gần 19 nghìn hồ sơ, đã giải quyết và trả kết quả gần 17 nghìn hồ sơ (trong đó trả kết quả qua bưu điện 7.252 hồ sơ, qua giao dịch điện tử 1.210 hồ sơ). Lãnh đạo một DN tại TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, việc tham gia đầy đủ BHXH không chỉ có lợi cho NLĐ mà còn giúp DN ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua sự gắn bó của NLĐ với DN. Ngoài ra, BHXH còn giúp DN ổn định nguồn chi, ngay cả khi có rủi ro lớn xảy ra DN cũng nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Có thể khẳng định BHXH là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ BHXH Đắk Lắk hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp sổ bảo hiểm. |
Mặc dù tỷ lệ đóng BHXH của Đắk Lắk tăng dần qua các năm, nhưng Giám đốc BHXH tỉnh Trương Văn Sáng nhìn nhận, số người chưa đóng BHXH còn nhiều, tập trung vào số lao động tự do, lao động trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh… Nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu tỷ lệ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế ngày một phủ rộng, tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020, BHXH tỉnh đã và đang phối hợp với các cơ quan truyền thông trong tỉnh đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các quy định, chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời bám sát từng địa phương, địa bàn tổ chức các đợt vận động, tuyên truyền về chính sách BHXH tới từng người dân, doanh nghiệp... BHXH tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh có những giải pháp quyết liệt, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, giúp đối tượng sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ chính sách ưu việt này, từ đó tự giác tham gia. Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý lao động các địa phương thực hiện tốt Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT... Công tác giải quyết chế độ, chính sách, chi trả lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng tham gia BHXH; công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng tham gia BHYT ngày càng tốt hơn. Hoạt động chi trả BHXH, như lương hưu, trợ cấp, chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức... luôn bảo đảm an toàn, chính xác, kịp thời và thuận lợi, thể hiện tính ưu việt của chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, trong thời gian tới, BHXH tỉnh đã đặt mục tiêu tạo bước đột phá trong hoạt động, đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao sự hài lòng của đối tượng trong tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc