Multimedia Đọc Báo in

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

14:01, 06/03/2018

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC/dioxin) huyện Ea Kar hiện có 265 hội viên tham gia sinh hoạt tại 10 hội cơ sở các xã, thị trấn.

Trong thời gian qua, với sự chung tay, góp sức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể cộng đồng, hàng trăm nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam trên địa bàn huyện đã và đang nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, từng bước xoa dịu nỗi đau, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Gia đình ông Nguyễn Đình Giang (75 tuổi, ở thôn 3, xã Cư Ni) chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau bởi hậu quả của chiến tranh. Năm 1965, ông Giang nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt. Ngày đất nước toàn thắng, ông trở về quê hương xây dựng gia đình. Niềm vui làm cha chưa trọn thì ông lại nếm trải nỗi đau khi cô con gái Nguyễn Thị Viền sinh ra đã bị dị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam. Suốt 37 năm nay, vợ chồng ông phải chăm sóc, phục vụ mọi sinh hoạt của cô con gái bị dị tật. Nhà không có đất canh tác, trong nhà có người bệnh lại tốn nhiều khoản chi tiêu nên bao năm qua, ông Giang lao động quần quật vẫn không đủ trang trải cuộc sống, cả gia đình ông vẫn phải ở trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, rộng chưa đầy 30 m2. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, năm 2012 chính quyền địa phương và Hội NNCĐDC/dioxin huyện đã hỗ trợ gia đình ông Giang xây dựng ngôi nhà rộng 60 m2 trị giá 130 triệu đồng. Sự hỗ trợ này đã giúp gia đình ông Giang có thêm sức mạnh để vượt qua nỗi đau da cam.

Đại diện lãnh đạo huyện Ea Kar tặng quà cho các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.
Đại diện lãnh đạo huyện Ea Kar tặng quà cho các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.

Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1964 đến 1979, ông Mạch Thọ Tuyến (ở tổ dân phố 5, thị trấn Ea Kar) đã gánh chịu hậu quả nặng nề khi 2 trong số 5 người con của ông lần lượt qua đời do bị các căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến chất độc da cam. Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông lao động vất vả mà vẫn không đủ trang trải chi phí, cả gia đình phải sống trong ngôi nhà gỗ xuống cấp, rộng chưa tới 40 m2. Năm 2013, Hội NNCĐDC/dioxin huyện đã hỗ trợ gia đình ông 30 triệu đồng, cộng thêm sự trợ lực của anh em dòng họ để ông xây được ngôi nhà mới rộng 60 m2, trị giá 90 triệu đồng. Với gia đình ông Tuyến, giá trị ngôi nhà không chỉ được tính bằng số tiền được hỗ trợ mà trên hết là những tấm lòng cảm thông, chia sẻ, đùm bọc của cả cộng đồng.

Ông Vũ Mạnh Thu, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Ea Kar cho biết: Thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện đã triển khai nhiều phong trào và hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”... hướng tới trợ giúp những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Từ năm 2012 đến nay, Hội NNCĐDC/dioxin huyện đã vận động được 832 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng mới 23 nhà và sửa chữa 2 nhà tặng nạn nhân chất độc da cam; phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện hỗ trợ hơn 20 triệu đồng mua bò tặng 2 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp làm thẻ Bảo hiểm y tế cho 100% người tham gia kháng chiến bị nhiễm da cam/dioxin; tặng 1.328 suất quà vào dịp lễ, tết, thăm hỏi hội viên ốm đau với số tiền hơn 450 triệu đồng…

Ông Vũ Mạnh Thu nhấn mạnh: Thời gian tới, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Ea Kar tiếp tục rà soát những đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam, đặc biệt là những đối tượng thuộc thế hệ thứ ba để đề nghị hưởng các chế độ của Nhà nước, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối với các đơn vị, nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội trong việc chung tay sẻ chia, giúp đỡ nạn nhân da cam xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Hoàng Bình Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.