Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường
Dự án “Thúc đẩy vai trò của Phụ nữ trong quản lý tài nguyên nước tại vùng Tây Nguyên của Việt Nam” do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD) triển khai tại buôn Jang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đã và đang thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khu dân cư.
Phát huy vai trò của phụ nữ
Là buôn khó khăn của xã Krông Na, đa số người dân buôn Jang Lành có thói quen sử dụng trực tiếp nguồn nước từ sông Sêrêpốk cho tất cả các hoạt động sinh hoạt của gia đình. Những năm gần đây, do tác động của các dự án thủy điện, dòng Sêrêpốk chảy qua buôn trở nên tù lắng, kết hợp với chất thải từ sinh hoạt, sản xuất của người dân, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một số gia đình trong buôn đã khoan giếng để có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo hơn, nhưng do chi phí cao nên vẫn còn rất nhiều hộ phải tiếp tục dùng nước sông để sinh hoạt.
Thiếu nhi buôn Jang Lành tham gia cuộc thi vẽ tranh về chủ đề bảo vệ môi trường. |
Để nâng cao nhận thức về các vấn đề tài nguyên nước và vệ sinh môi trường cho người dân, WARECOD đã phối hợp với UBND xã Krông Na trao đổi về việc thúc đẩy công tác quản lý tài nguyên nước của nhân dân trong xã nói chung và của nhóm đối tượng phụ nữ nói riêng, nắm bắt nhu cầu người dân muốn có thêm kiến thức cũng như các nguồn lực để xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động bảo vệ tài nguyên nước và môi trường cho địa phương. Trên cơ sở đó, WARECOD đã thành lập nhóm phụ nữ bảo vệ môi trường tại buôn với 30 thành viên. Ngoài tham gia các chương trình tập huấn về tài nguyên nước, vệ sinh môi trường, nhóm được trang bị thêm một số kỹ năng phục vụ công tác truyền thông cộng đồng, cung cấp máy ảnh để thực hiện hoạt động kể chuyện bằng hình ảnh. Chỉ sau 2 tuần thực hiện, thành viên nhóm đã có thể đưa ra những khung hình và câu chuyện giản dị, ý nghĩa và tổ chức triển lãm thử tại Nhà cộng đồng để lấy ý kiến đóng góp của toàn bộ người dân trong buôn. Hoạt động này một mặt xây dựng không gian sinh hoạt mới mẻ, sáng tạo cho phụ nữ trong buôn, mặt khác mang lại những thông tin quan trọng về tình hình nước sạch, vệ sinh môi trường quan trọng tại địa phương dưới góc nhìn của chính các chị em phụ nữ.
Đại diện nhóm phụ nữ bảo vệ môi trường buôn Jang Lành giới thiệu về sự thay đổi trong cuộc sống của người dân qua bộ ảnh Bên dòng Sêrêpốk. |
Bên cạnh đó, nhóm còn tuyên truyền trực tiếp đến người dân trong buôn thông qua loa phát thanh di động, Đài Truyền thanh xã. Nhờ vậy, đa số chị em trong buôn đã thay đổi cách nhìn và trở thành tuyên truyền viên tích cực tại gia đình.
Hiệu quả bước đầu
Từ hoạt động truyền thông, nhóm phụ nữ bảo vệ môi trường buôn Jang Lành đã phối hợp với Ban tự quản buôn tổ chức chương trình ra quân bảo vệ môi trường vào ngày 15 hằng tháng, thu hút trên 200 người dân tham gia. Hoạt động này không chỉ góp phần giữ gìn cảnh quan khu dân cư, giúp môi trường được cải thiện mà còn phát huy được tinh thần tự giác của cá nhân, gia đình, cộng đồng; đồng thời hình thành được thói quen, phương pháp thực hiện, trách nhiệm giám sát và tự giám sát quy định bảo vệ môi trường tại khu dân cư.
Sau 7 tháng triển khai (từ tháng 7-2017 đến tháng 2-2018), Dự án đã thí điểm thành công 7 mô hình nước sạch, hỗ trợ thành lập 5 mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn nước. |
Một trong những hoạt động chính được nhóm tổ chức thực hiện là xây dựng mô hình bể lọc nước đơn giản cho các hộ đang sử dụng nước sông tại địa phương. Sau khi nhóm lên ý tưởng thực hiện, WARECOD đã phối hợp với Phòng Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh) cung cấp kiến thức cơ bản và giới thiệu mô hình bể lọc nước đơn giản cho hơn 60 người đại diện các hộ gia đình, trong đó phần lớn là nữ giới. Là thành viên tích cực của mô hình bể lọc nước, đồng thời là trưởng nhóm kỹ thuật lắp ráp bồn lọc nước sông, anh Y Thọc Êban cho hay: “Mô hình này dễ thực hiện, chỉ cần sử dụng các vật liệu sẵn có hoặc dễ tìm mua tại địa phương như cát, sỏi, than củi, nhưng lại có khả năng lọc tương đối tốt các chất hữu cơ lơ lửng, trước mắt đảm bảo nguồn nước không màu, không mùi, không vị. Hơn nữa chi phí thực hiện chỉ khoảng 1,4 triệu đồng, tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trong buôn. Hiện nay, đã có hơn 30 hộ dân đăng ký làm mô hình bồn lọc nước”.
Người dân buôn Jang Lành sử dụng nước từ bể lọc để phục vụ sinh hoạt. |
Xuất phát từ nhu cầu của người dân địa phương, Dự án còn triển khai hỗ xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh (mô hình trồng nấm mèo) tại hộ gia đình. Các hộ dân có nhu cầu sẽ được hỗ trợ làm nhà nấm với 500 bịch phôi và được Trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn hướng dẫn kỹ thuật. Ông Tô Văn Liệu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Mô hình trồng nấm mèo có thể tiết kiệm được nguồn nước và tận dụng được công lao động. Các hộ gia đình chỉ cần tranh thủ thời gian khoảng 1 tiếng/ngày để tưới nhà nấm là có thể bảo đảm cho nấm sinh trưởng và phát triển tốt ”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc