Multimedia Đọc Báo in

Tiếp thêm nguồn lực giúp phụ nữ vươn lên trong cuộc sống

08:56, 29/03/2018

Với phương châm cho “cần câu hơn xâu cá”, những năm qua, các tổ chức Hội phụ nữ cơ sở trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều hoạt động thiết thực tiếp thêm nguồn lực giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Thiết thực học và làm theo gương Bác, từ năm 2013 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân An đã phát động thực hiện mô hình “Heo đất tiết kiệm” tại 12 chi hội. Mỗi chi hội chia thành nhiều tổ, mỗi tổ nuôi một heo đất. Vào dịp 8-3 hằng năm, chi hội sẽ gom số tiền tiết kiệm được của các tổ vào một con heo chung và tham gia Hội thi đập heo đất tiết kiệm do Hội LHPN phường tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Thiện, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân An cho biết, sau 5 năm phát động kể từ ngày 8-3-2013 đến nay, 12 chi hội đã xây dựng được 117 con heo đất với tổng số tiền hơn 840 triệu đồng, giúp hội viên khó khăn vay xoay vòng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Riêng tại Hội thi đập heo đất tiết kiệm nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3-2018 đã huy động được trên 61,8 triệu đồng. Ban Thường vụ Hội LHPN phường sẽ xét cho các chị em vay vốn để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh theo Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Gia đình chị H'Noat Adrơng đã phát triển chăn nuôi tăng thu nhập từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Gia đình chị H'Noat Adrơng đã phát triển chăn nuôi tăng thu nhập từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Không chỉ huy động nội lực trong chị em, các tổ chức Hội Phụ nữ cơ sở trên địa bàn thành phố còn tích cực tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Qua đó, nhiều hội viên đã có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình chị H’Noat Adrơng ở buôn Ju, xã Ea Tu. Gia đình chị thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. Tháng 6-2017, Chi Hội phụ nữ buôn đã tín chấp cho gia đình chị vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 1 con bò và 4 con dê giống về nuôi. Đến nay chị đã có đàn dê 10 con và 2 con bò. Không chỉ gia đình chị H’Noap mà đến nay buôn Ju đã có 170 hội viên được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng.

Để giúp hội viên khó khăn vươn lên, Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng kế hoạch hỗ trợ phụ nữ hộ nghèo, cận nghèo thông qua nhiều hình thức, phấn đấu mỗi chi hội giúp ít nhất 1 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Trong năm 2017, các cấp hội trên địa bàn thành phố đã tập trung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Hội đã đề xuất UBND thành phố ưu tiên bố trí vốn cho 21 phụ nữ khởi nghiệp với tổng số tiền 226 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh xét duyệt vốn giúp 35 hội viên xã Cư Êbur chuyển đổi từ công việc nhặt rác tại bãi rác sang nuôi bò, dê với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội còn trực tiếp hỗ trợ 1 hội viên xây dựng và thực hiện thành công mô hình chuyển giao công nghệ rau thủy canh đến các hộ gia đình trên địa bàn thành phố; giải ngân nguồn vốn  “Phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” của Hội LHPN tỉnh cho 9 hội viên với tổng số tiền 170 triệu đồng.

Các chi hội phụ nữ phường Tân An kiểm đếm tiền từ heo đất tiết kiệm năm 2018 để góp vốn giúp hội viên khởi nghiệp.
Các chi hội phụ nữ phường Tân An kiểm đếm tiền từ heo đất tiết kiệm năm 2018 để góp vốn giúp hội viên khởi nghiệp.

Ngoài nguồn vốn khởi nghiệp, trong năm 2017 các cấp hội phụ nữ thành phố đã xây dựng mô hình “Heo đất tiết kiệm”, thu được trên 580 triệu đồng giúp chị em khó khăn; duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm. Đồng thời, Hội cũng làm tốt công tác ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 72 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế; xây dựng các câu lạc bộ, tổ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế như: “Phụ nữ tiểu thương”, “Vườn rau sạch”, “Tổ phụ nữ liên kết ươm cây giống”, “Tổ may mặc gia công”...

Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột, trong thời gian tới, để giúp phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội tập trung xây dựng Quỹ khởi nghiệp, tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho hội viên. Hy vọng qua những hoạt động thiết thực đó sẽ góp phần giúp phụ nữ tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.