Cô sinh viên "say" với thổ cẩm truyền thống
H’Sanh hiện đang là sinh viên năm 2, khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Nguyên. Cô cho biết, bản thân biết dệt vải thổ cẩm từ năm 12 tuổi. Đến nay gia đình cô và nhiều gia đình khác trong buôn vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thế nhưng từ trước đến nay sản phẩm làm ra đều phụ thuộc vào sức mua của khách. Những sản phẩm truyền thống như váy áo, khăn trải bàn có giá thành khá cao nên thường chỉ có người dân trong vùng sắm để dùng trong các lễ hội, ngày vui của buôn làng, hiếm có du khách nào lại chọn mua một bộ quần áo truyền thống của dân tộc Êđê để làm kỷ niệm. Do đó, cô đã có ý tưởng sử dụng chất liệu truyền thống để làm ra những món đồ lưu niệm nhỏ xinh, hướng đến phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Từ những tấm vải mẹ dệt, H’Sanh đã tự mày mò, cắt may thành những chiếc túi nhỏ gọn, đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng giúp người dùng dễ dàng sử dụng và có thể mang theo bên mình. Để sản phẩm trở nên đẹp, bắt mắt hơn, H’Sanh đã đính thêm hạt cườm, thắt nơ, sử dụng miếng lót xốp để tạo độ cứng cho sản phẩm…Ngoài ra, cô còn tự thiết kế, biến tấu các tấm vải thổ cẩm thành những bộ trang phục cách tân, hợp thời trang như váy maxi, áo ghi lê, áo không tay, cà vạt…
H’Sanh (bên phải) giới thiệu mẫu sản phẩm mới. |
Với mong muốn sản phẩm do mình làm ra được nhiều người biết đến, H’Sanh đã lên trang mạng cá nhân Facebook đăng hình ảnh, giới thiệu sản phẩm cũng như tiếp nhận những ý kiến đóng góp của mọi người để sản phẩm được đẹp hơn, đồng thời nhận làm những sản phẩm theo yêu cầu của khách. Nhờ vậy, mà H’Sanh đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Qua sự giới thiệu của bạn bè, đã có khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến tận nơi xem và đặt dệt 2 tấm thổ cẩm (mỗi tấm dài 3,8 mét) để trưng bày tại Festival đồ thổ cẩm diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh và hứa hẹn sẽ tiếp tục đặt hàng. Hay như cuối năm 2017, có một khách hàng là Việt kiều ở Mỹ đã đặt một tấm ga trải giường dài 2,3 mét với giá 2 triệu đồng. H’Sanh đã cùng mẹ tập trung dệt, khâu trong vòng một tuần để kịp giao cho khách. “Em cảm thấy rất vui vì nhận được phản hồi tốt của khách về chất lượng sản phẩm. Đây là cơ hội để em có thể quảng bá sản phẩm, cũng như nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè quốc tế”, H’Sanh chia sẻ.
H’Sanh đang may túi xách để giao cho khách. |
Với sự nhạy bén, năng động, nắm bắt được thị hiếu của người dùng, từ năm 2015 đến nay, công việc bán đồ thổ cẩm đã đem lại cho H’Sanh nguồn thu nhập ổn định để trang trải cho việc học và phụ giúp thêm cho gia đình. Hiện tại, ngày nào cũng có người đặt hàng và mua sản phẩm, có những thời điểm sản phẩm làm ra không đủ để bán.
Nói về dự định trong tương lai, H’Sanh cho biết: Ngoài việc sẽ tiếp tục làm ra những mẫu mới để phục vụ khách hàng thì sẽ may sẵn vài bộ quần áo để cho những ai có nhu cầu thuê. Bản thân em cũng luôn ấp ủ một dự định là sau khi ra trường sẽ tập hợp những người biết dệt thổ cẩm trong buôn, giúp đỡ họ về khâu thiết kế và tìm đầu ra cho sản phẩm; mở một cửa hàng của riêng mình để trưng bày và bán các sản phẩm thổ cẩm do các chị, các mẹ làm ra.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc