Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống mới của người Mông ở Vụ Bổn

10:04, 28/04/2018

Thấm thoát đã 10 năm kể từ khi những hộ người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc đặt chân vào thôn 12, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) lập nghiệp.

Vượt qua những bộn bề khó khăn khi lập nghiệp trên vùng đất mới, làng người Mông nơi đây đã có nhiều đổi thay đáng kể nhờ biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Thôn phó thôn 12 Giàng A Giang nhớ lại: Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010 có khoảng trên 150 hộ người Mông từ các tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang di cư vào thôn 12, xã Vụ Bổn lập nghiệp, hình thành nên “làng Mông” (thuộc thôn 12) bây giờ. Ngày đó, làng Mông còn là vùng đồi hoang vu, đất đai cằn cỗi. Đường sá đi lại hầu hết là lối mòn nhỏ hẹp, nhà cửa thì lưa thưa vài căn mái tranh vách nứa tạm bợ… Trong khi đó, do tập quán canh tác lạc hậu, khi đến lập nghiệp ở vùng đất mới, người dân chưa quen khí hậu, thổ nhưỡng cũng như mùa vụ nên năng suất cây trồng thấp, đời sống kinh tế luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau…

 Ông Giàng  A Giang  ở thôn 12, đang giới thiệu về giống  mít Thái  mới trồng trong vườn  nhà mình.
Ông Giàng A Giang ở thôn 12, đang giới thiệu về giống mít Thái mới trồng trong vườn nhà mình.

Thôn 12 nằm cách trung tâm xã Vụ Bổn khoảng 7 km. Thôn có 423 hộ với 8 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 50% số hộ. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương nên đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Ông Đặng Thanh Thực, Phó Bí thư Chi bộ thôn 12 cho biết, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, hằng năm chi bộ thôn đều xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo đó, chi bộ đã phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, phong trào ở địa phương; phân công các đảng viên phụ trách từng địa bàn để giúp đỡ, tuyên truyền hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, tăng cường xây dựng đời sống văn hóa…

Ông Giàng A Giang cho biết thêm, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo trong thôn đều được cấp phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; cán bộ khuyến nông và các hội, đoàn thể trong xã còn tận tình hướng dẫn người dân cách gieo trồng, chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và việc ứng dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiêp; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất… Nhờ đó, người dân đã biết phát huy nội lực, từng bước chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Toàn thôn hiện có khoảng 150 ha lúa nước hai vụ; 80 ha ngô, 70 ha sắn cao sản… Thói quen chăn nuôi gia súc thả rông cũng được thay đổi, chuyển sang chăn nuôi nhốt, vừa phòng chống dịch bệnh lại góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình những hộ có kinh tế phát triển khá như gia đình ông Đặng Hoàng Nam, Đặng Văn Sơn, Giàng Seo Khóa, Sùng Khánh Mình… mỗi hộ có 5 ha lúa nước hai vụ, năng suất bình quân 8-9 tấn/ha, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Đường nhựa rộng rãi nối liền thôn 12 với trung tâm xã Vụ Bổn.
Đường nhựa rộng rãi nối liền thôn 12 với trung tâm xã Vụ Bổn.

Ông Giàng Seo Khóa chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng, sự quan tâm của chính quyền địa phương giúp dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, cuộc sống của người Mông chúng tôi ở đây đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Gia đình tôi không còn lo cảnh đói nghèo như trước nữa mà luôn yên tâm làm ăn để tích lũy vốn, mở rộng sản xuất, chăn nuôi, tạo thêm công ăn việc làm và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Có thể nói, làng Mông ở Vụ Bổn hôm nay đã thực sự “thay da, đổi thịt”. 100% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia; những căn nhà tranh vách nứa khi xưa đã không còn mà thay vào đó là nhiều ngôi nhà xây kiên cố, nhà mái Thái mọc lên san sát. Tuyến đường từ trung tâm xã vào thôn được rải nhựa phẳng lỳ. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 15 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3,5%/năm...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.