Multimedia Đọc Báo in

Người cao tuổi huyện Krông Năng phát huy vai trò "Tuổi cao - gương sáng"

08:22, 19/04/2018

Phát huy vai trò “Tuổi cao - gương sáng”, những năm qua nhiều hội viên người cao tuổi (NCT) huyện Krông Năng tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “NCT làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội phát động.

Ông Lê Quang Mỹ là gương điển hình trong phong trào NCT sản xuất kinh tế giỏi ở xã Ea Toh, dù đã gần 70 tuổi nhưng vẫn hăng say lao động, sản xuất. Là nông dân gắn bó  với cây cà phê nhiều năm,  có thời điểm giá cà phê xuống thấp, ông trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học. Sau một thời gian học hỏi, tìm tòi, ông mạnh dạn chuyển đổi cây cà phê sang trồng cây sầu riêng xen canh với cây tiêu. Đến nay, mô hình kinh tế này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng năm 2017, gia đình ông thu được hơn 20 tấn sầu riêng, với giá thành 70.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 1,4 tỷ đồng. Ông Mỹ chia sẻ: “Tìm hiểu trên sách báo, tôi thấy đất Krông Năng rất hợp với cây măng cụt và đinh lăng nên đã trồng thử. Bước đầu cây măng cụt phát triển tốt, hơn 2.000 gốc đinh lăng cũng bước vào năm thứ tư và sắp cho thu hoạch. Khi vườn đinh lăng cho thu hoạch thì gia đình tôi sẽ có một khoản thu nhập không nhỏ vì giá thành đang ở mức cao và hiện đã có nhiều công ty đến liên hệ đặt mua”.

Những tấm gương người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2013-2018 được UBND huyện Krông Năng  tuyên dương, khen thưởng.
Những tấm gương người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2013-2018 được UBND huyện Krông Năng tuyên dương, khen thưởng.
 

“Những năm qua, NCT huyện Krông Năng đã phát huy vai trò “Tuổi cao - gương sáng” không chỉ bằng việc trực tiếp tạo ra của cải, vật chất mà còn tích cực động viên, giáo dục con cháu về đức tính cần cù, siêng năng lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Những việc làm cụ thể đó tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. 

 

 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Minh Châu

Ông Quản Bá Đình (SN 1954, TDP 1, thị trấn Krông Năng) là bộ đội xuất ngũ, năm 1996 cùng gia đình từ Thanh Hóa vào Đắk Lắk lập nghiệp, gia đình có 5 người con nên bước đầu kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nhờ chăm chỉ lao động nên đến nay ông có hơn 1 ha đất để trồng cây cà phê xen canh với hồ tiêu. Cùng với đó gia đình ông phát triển thêm chăn nuôi heo nạc và đào ao thả cá với diện tích gần 5 sào; nấu rượu cung cấp cho các đại lý và người dân để tăng thêm thu nhập. Nhờ mô hình kinh tế tổng hợp này nên thu nhập hằng năm của gia đình ông gần 600 triệu đồng.

Đã gần 70 tuổi nhưng hai vợ chồng bà Phạm Thị Thân và ông Trần Thanh Hùng (thôn 1, xã Phú Xuân) vẫn tích cực động viên, chỉ bảo và cùng với con cháu làm kinh tế. Ngoài công việc hằng ngày là chăm sóc gần 1.000 trụ tiêu trồng xen canh cây ăn quả và nuôi cá, ông bà còn sản xuất tinh bột nghệ để nhập cho các đại lý trong và ngoài xã, tổng thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Cũng nhờ kinh tế ổn định các con của ông bà có điều kiện học hành thành đạt, có công ăn việc làm.

Mô hình sản xuất tinh bột nghệ của ông bà Phạm Thị Thân và Trần Thanh Hùng (thôn 1, xã Phú Xuân).
Mô hình sản xuất tinh bột nghệ của ông bà Phạm Thị Thân và Trần Thanh Hùng (thôn 1, xã Phú Xuân).

Tương tự, gia đình ông Ngô Quang Phê và bà Ngô Thị Đàm (thôn Ea Heo, xã Ea Tân) trồng trên 4.000 trụ tiêu và hơn 1.000 cây cà phê cùng với các loại cây ăn quả khác, trung bình mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế, gia đình, ông bà còn tích cực tham gia sinh hoạt trong Chi hội NCT xã với tinh thần “Sống vui - khỏe - có ích”; thường xuyên giúp đỡ những người khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con  lối xóm cùng phát triển kinh tế, từ đó tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó. Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, ông bà tích cực vận động gia đình và người dân tham gia hiến đất làm đường giao thông, riêng gia đình tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bồi thường để Nhà nước mở rộng tuyến đường nối liền hai huyện Ea H’leo và Krông Năng ...

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.