Multimedia Đọc Báo in

Những người thợ giỏi

08:43, 11/04/2018

Thấu hiểu nghề cạo mủ cao su lắm nỗi nhọc nhằn, thế nhưng nhiều công nhân cạo mủ cao su (Công ty TNHH Một thành viên Cao su Đắk Lắk) vẫn luôn cần mẫn gắn bó, nỗ lực hoàn thành tốt công việc, trở thành những lao động giỏi.

Gần 20 năm gắn bó với nghề

Ở Nông trường Cao su Phú Xuân (xã Ađrơng, huyện Cư M’gar), anh Nguyễn Quốc được xem là một trong những người có thâm niên trong nghề cạo mủ cao su. Để trở thành một người thợ giỏi và được sự tin tưởng, ủng hộ của anh em lao động trong đơn vị như bây giờ, anh phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt là sự cần mẫn, gắn bó với nghề. Anh Quốc nhớ lại: “Khi mới vào làm ở nông trường cách đây gần 20 năm, ngoài việc tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật khai thác mủ cao su của Công ty, tôi phải thường xuyên học hỏi cách làm, kinh nghiệm của các anh chị công nhân đi trước. Cũng phải mất hơn 3 tháng, tay nghề và kỹ năng khai thác mủ của tôi mới theo kịp mọi người”. Theo anh, dụng cụ cạo mủ phải thật sắc bén, khi cạo phải đúng kỹ thuật, đúng độ sâu quy định thì mới khai thác được lượng mủ nhiều nhất mà không gây tổn thương cho cây. Thời gian cạo thì tùy theo thời tiết trong năm, mùa khô cạo càng sớm càng tốt, mùa mưa thì phải đợi cây khô ráo mới bắt đầu cạo. Trong quá trình chăm sóc 3 ha cao su được giao, ngoài việc chú trọng khâu bón phân, vệ sinh vườn cây, anh thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện những cây bị bệnh để báo cho cán bộ kỹ thuật xử lý. Do đặc thù của nghề cạo mủ cao su thường không thể làm ban ngày để tránh chói nắng, nên công việc của anh thường bắt đầu từ khoảng 3 giờ đến 8 giờ sáng. Hành trang của những công nhân đi cạo mủ cao su ngoài con dao cạo, đèn pin, xô đựng mủ, ít nhang chống muỗi thường có thêm lọ dầu để phòng gió lạnh.

Anh Nguyễn Quốc kiểm tra vườn cao su được giao chăm sóc.
Anh Nguyễn Quốc kiểm tra vườn cao su được giao chăm sóc.

Dẫu công việc có khó khăn, vất vả hay trải qua những thăng trầm của ngành cao su, anh Quốc vẫn luôn chung thủy với nghề. Nhờ chịu khó học hỏi và tinh thần lao động hăng say, anh luôn hoàn thành vượt mức sản lượng được giao, nhiều tháng vượt tới 200%. Cũng nhờ đó, gia đình anh có cuộc sống ổn định hơn, con cái có điều kiện để học tập tốt.

Nữ thợ cạo có “bàn tay vàng”

Chị H’Níp Ayun, người thợ cạo mủ ở Nông trường Chư Bao (xã Chư Bao, thị xã Buôn Hồ) được đồng nghiệp mến phục bởi tinh thần lao động cần cù. Như nhiều công nhân lao động khác, lúc mới đi làm, chị H’Níp chỉ nghĩ đơn giản là làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình, trang trải cuộc sống. Nhưng theo thời gian, với tinh thần trách nhiệm, chăm chỉ và chịu khó học hỏi, dần dần tay nghề và niềm yêu thích công việc cũng được nâng lên. Dù chỉ mới gắn bó với công việc 7 năm, nhưng năm nào chị cũng đạt lao động giỏi, sản lượng khai thác luôn vượt kế hoạch, nhiều năm liền vượt 200% kế hoạch.

Chị H’Níp Ayun.
Chị H’Níp Ayun.

Được giao chăm sóc và khai thác gần 3 ha cao su nên hằng ngày công việc của chị bắt đầu từ 1 giờ sáng đến khoảng 9 giờ mới kết thúc. Nhờ bảo đảm tiến độ, thời gian và sản lượng khai thác nên gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài thời gian đi cạo mủ cao su cho nông trường, chị còn tranh thủ thời gian chăm sóc 5 sào đất rẫy trồng cao su của gia đình, phụ giúp công việc nương rẫy và chăm sóc nhà cửa. Gắn bó với nghề, chị H’Níp đã trải qua không ít khó khăn, vất vả. Chị tâm sự:  Đó không chỉ là nỗi sợ hãi khi phải đi làm trong đêm khuya, rồi vấn đề an ninh trật tự, tai nạn nghề nghiệp hay hiểm họa từ rắn, rết chực chờ… mà còn là nỗi lo khi con cái còn nhỏ, vợ chồng chị phải gửi ông bà trông nom đêm hôm. Có những lúc bước chân đi làm mà lòng thấp thỏm không yên, nhưng rồi tình yêu nghề đã giúp chị vượt qua tất cả .

Với tinh thần lao động hăng say, anh Nguyễn Quốc và chị H’Níp nhiều lần được tuyên dương những người thợ giỏi, được các cấp, ngành khen thưởng, như anh Quốc được nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích thi đua lao động giỏi, chị H’Níp được công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2017…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.