Multimedia Đọc Báo in

Nở rộ trào lưu chụp ảnh kỷ yếu học trò

07:56, 25/04/2018

Thời điểm kết thúc năm học, với học sinh cuối cấp là thời khắc chia tay bạn bè, thầy cô   sau bao nhiêu năm gắn bó để rồi sau đó mỗi người mỗi ngả đi theo con đường riêng của mình. Trước lúc chia tay, ai cũng muốn lưu giữ lại những ký ức đẹp của lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng, từ đó trào lưu chụp ảnh kỷ yếu ra đời.

Anh Trần Huy Hiệp (trú tại xã Ea Na, huyện Krông Ana) - chủ một hiệu ảnh chuyên chụp ảnh kỷ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Chi phí cho mỗi bộ ảnh khoảng 1.000 tấm cùng 1 clip (có cảnh quay bằng fly cam) dao động từ 5-10 triệu đồng/lớp (tùy theo số lượng người). Nếu tính theo đầu người, chụp nội tỉnh khoảng 200-300 nghìn đồng/người, ngoại tỉnh đắt hơn 100-200 nghìn đồng/người. Mỗi người chỉ đóng một khoản tiền nho nhỏ là cả lớp có được bộ ảnh đầy ấn tượng, nếu đi ngoại tỉnh còn được du lịch tập thể, rất thú vị”.

Là người có niềm đam mê nhiếp ảnh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Hiệp học kỹ thuật chụp ảnh trên mạng Internet và người trong nghề để mở hiệu ảnh riêng. Năm 2014, anh Hiệp cùng một số bạn chung niềm đam mê góp vốn hơn 600 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị mở tiệm chụp ảnh. “Để tổ chức cho các lớp chụp ảnh dã ngoại vui vẻ, bảo đảm an toàn, trước khi chụp chúng tôi có trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, xin ý kiến của Ban Giám hiệu nhà trường và Hội phụ huynh học sinh. Trong quá trình chụp, nhất là các buổi chụp ngoại tỉnh đều phải có giáo viên hoặc phụ huynh đi kèm và yêu cầu học sinh phải nghe theo sự hướng dẫn của trưởng nhóm”, anh Hiệp cho biết.

Bức ảnh  kỷ niệm của lớp 12A3 Trường THPT  Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột).
Bức ảnh kỷ niệm của lớp 12A3 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột).

Ý tưởng chụp ảnh của từng lớp rất khác nhau, không ai giống ai. Chẳng hạn, mới đây những cảnh rất đời thường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được lớp 12A1 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột) thể hiện khá sinh động trong bộ ảnh kỷ yếu của lớp. Theo đó, ý tưởng của bộ ảnh lấy nguồn cảm hứng từ những bài nhạc xưa cũ và phong cách thời trang những năm 80. Bạn Đỗ Mai Trang, một thành viên của lớp chia sẻ: “Lớp chúng em chọn trang phục của thập niên 80 nhằm thay đổi phong cách, hơn nữa những bộ quần áo mua từ cửa hàng đồ sida nên giá phù hợp với túi tiền học sinh. Bọn em mất khoảng 2 tuần để chuẩn bị từ trang phục đến quay, chụp ảnh. Chúng em mong muốn sau này khi ra trường, mỗi người mỗi nơi, dù có tất bật với công việc nhưng mỗi khi mang ảnh kỷ yếu ra xem lại nhớ về những kỷ niệm xưa dưới mái trường”.

Tương tự, bộ ảnh kỷ yếu có tên là “Ông bà tôi”, được học sinh lớp 12A8 Trường THPT Ea H'leo (huyện Ea H'leo) thực hiện với ý tưởng chụp ảnh xuyên suốt tiểu học - trung học - khi về già. Khi thực hiện bộ ảnh, ngoại trừ trang phục tiểu học và THPT các em tự túc được, còn trang phục dành cho người già thì mượn phụ huynh hoặc người thân. Bạn Thái Xuân Lưu, một thành viên của lớp cho biết: "Bộ ảnh như một kỷ niệm đẹp đánh dấu 12 năm cắp sách tới trường. Hy vọng các thành viên trong lớp sau này cho dù mỗi người mỗi nghề, mỗi con đường khác nhau nhưng vẫn luôn nhớ về nhau". Hay như, lớp 12A3 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) lại chọn công viên bỏ hoang tại huyện Krông Pắc để thực hiện bộ ảnh kỷ yếu với các trò chơi vui nhộn như: bắt vịt, đu quay; lớp 12A4 Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) chọn cảnh đẹp trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tại tỉnh Phú Yên để thực hiện bộ ảnh kỷ yếu...

Bộ ảnh kỷ yếu ấn tượng với trang phục những năm 80 của lớp 12A1 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột).
Bộ ảnh kỷ yếu ấn tượng với trang phục những năm 80 của lớp 12A1 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo thầy Lương Văn Hà, Bí thư Đoàn Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (Trường Đại học Tây Nguyên), việc chụp ảnh kỷ yếu của học sinh nên gắn với hình ảnh mái trường, khoảng sân, góc lớp nơi các em gắn bó nhiều năm. Nhà trường hết sức tạo điều kiện cho các lớp có nhu cầu chụp ảnh kỷ yếu trong khuôn viên của trường nhưng khuyên nên chụp trong ngày nghỉ để không ảnh hưởng đến việc học. Trường cũng gặp gỡ ban cán sự lớp, phân tích cho các em về những điều nên hay không nên khi chụp ảnh kỷ yếu, tránh việc chụp ảnh gây lãng phí, không an toàn. Nhiệm vụ quan trọng nhất của các em hiện nay là tập trung vào ôn tập kiến thức, hoàn thành hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2018 đang đến gần...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.