Multimedia Đọc Báo in

Thiết thực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên và người lao động

09:07, 13/04/2018

Xác định tầm quan trọng của việc chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, những năm qua, các cấp công đoàn thị xã Buôn Hồ đã có nhiều hoạt động thiết thực kịp thời giúp đỡ, động viên công nhân, viên chức, người lao động vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt công việc được giao.

Hơn 2 năm nay, bà Phạm Thị Hiến (Công nhân Công ty Quản lý môi trường và Đô thị Buôn Hồ) đã không còn thấp thỏm, lo âu khi phải sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát. Trước đây, mỗi khi trời mưa, nền nhà thường lênh láng nước, gió lùa như muốn thổi bay cả căn nhà của bà. Dẫu vậy, bà và các con vẫn chen chúc nhau sống qua ngày, bởi kinh tế gia đình quá khó khăn, chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi từ công việc quét rác của bà. Được sự hỗ trợ từ Liên đoàn Lao động thị xã Buôn Hồ, vừa qua bà đã có điều kiện  xây dựng ngôi nhà kiên cố, khang trang.  Bà Hiến chia sẻ: “Khi được Liên đoàn Lao động thị xã hỗ trợ 30 triệu đồng, tôi mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo và gom góp được số tiền 15 triệu để xây dựng căn nhà như hiện nay. Có ngôi nhà mới, tôi cũng bớt đi nỗi lo mỗi khi trời mưa gió để yên tâm làm tốt công việc của mình”.

Đại diện Liên đoàn Lao động thị xã thăm hỏi gia đình bà Phạm Thị Hiến.
Đại diện Liên đoàn Lao động thị xã thăm hỏi gia đình bà Phạm Thị Hiến.

Được biết, bà Hiến làm công nhân tại Công ty Quản lý môi trường và Đô thị Buôn Hồ đã gần 20 năm. Ban đầu, công việc của bà là đi theo xe thu gom rác trên các tuyến đường, bây giờ do tuổi đã cao (55 tuổi), không đủ sức khỏe để đi theo xe nên bà được Công ty chuyển sang công việc quét rác đường. Mỗi ngày, bà bắt đầu làm việc từ 3 giờ sáng đến 10 giờ trưa với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

Với cô Nguyễn Thị Thọ (giáo viên Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm), hơn 15 năm mang căn bệnh hiểm nghèo lupus ban đỏ cũng là chừng đó năm cô sống trong sự sẻ chia, đùm bọc của cán bộ công nhân viên nhà trường và sự giúp đỡ của các tổ chức công đoàn thị xã. Từ khi phát hiện bệnh đến nay, cô Thọ đã trải qua 3 lần mổ thay khớp háng và khớp gối với tổng số tiền lên đến gần 200 triệu đồng; đó là chưa kể đến hàng chục lần đi khám và những lần đi cắt các khớp ngón tay, tiền thuốc men… Cô xúc động chia sẻ rằng, với chi phí tốn kém như vậy mà nguồn thu nhập chỉ phụ thuộc vào đồng lương giáo viên ít ỏi, nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Liên đoàn Lao động thị xã, Công đoàn nhà trường và Công đoàn cơ sở ngành Giáo dục vận động cán bộ, giáo viên quyên góp, ủng hộ với tổng số tiền hàng chục triệu đồng thì có lẽ sức khỏe của cô không giữ được như hiện nay. Không chỉ thế, do thường xuyên phải đi bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh nên cô Thọ được các giáo viên trong trường hỗ trợ trong việc dạy học bảo đảm số tiết để được nhận đủ lương; trong đó có thời điểm cô phải nghỉ dạy hơn 1 tháng. Theo cô Thọ, trong tháng này, cô lại phải đi TP. Hồ Chí Minh  để thay khớp háng đã bị hỏng với chi phí mỗi lần thực hiện trên 60 triệu đồng.

Cô Nguyễn Thị Thọ (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về hoàn cảnh bản thân với đại diện công đoàn thị xã.
Cô Nguyễn Thị Thọ (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về hoàn cảnh bản thân với đại diện công đoàn thị xã.

Có thể nói, bà Hiên, cô Thọ chỉ là hai trong số hàng trăm đoàn viên và người lao động trên địa bàn thị xã được các tổ chức công đoàn quan tâm, hỗ trợ trong những năm qua. Với mục đích sẻ chia, giúp đỡ, động viên đoàn viên, người lao động trong lúc khó khăn và tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, các cấp công đoàn thị xã Buôn Hồ đã có những hoạt động thiết thực để chăm lo cho đoàn viên. Nhờ sự quan tâm, chăm lo đời sống người lao động nên các phong trào thi đua yêu nước như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào xanh - sạch - đẹp, văn minh… luôn được đoàn viên, người lao động hưởng ứng, tham gia tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Phan Hoàng Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Buôn Hồ cho biết: “Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn thị xã đã phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách , nhất là thực hiện tốt các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ lương mới cho người lao động trong các doanh nghiệp… Bên cạnh đó, việc chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động còn hướng đến đối tượng là nữ và con em người lao động; kịp thời động viên tinh thần, hỗ trợ các trường hợp khó khăn, hoạn nạn để họ an tâm công tác”.

5 năm qua, các cấp công đoàn thị xã đã vận động, hỗ trợ xây dựng sửa chữa 26 nhà Mái ấm công đoàn với kinh phí 800 triệu đồng; thăm hỏi và tặng trên 1.500 suất quà cho đoàn viên, người lao động ốm đau, hoạn nạn; xây dựng Quỹ Đoàn kết tương trợ với số tiền trên 4 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 2.000 người vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.