Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN

09:42, 27/04/2018

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi của người lao động là những giải pháp quan trọng mà BHXH TP. Buôn Ma Thuột đang triển khai nhằm cải thiện tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) tại địa phương.

Hơn 14 tỷ đồng nợ khó đòi do doanh nghiệp… “mất tích”

Số liệu thống kê của BHXH TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, tính đến hết quý I-2018, toàn thành phố còn 542 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên với tổng số nợ khoảng 29 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số đơn vị có số nợ lớn với thời gian kéo dài lên đến hằng năm, như: Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Khôi nợ BHXH 782 triệu đồng từ tháng 8-2014; Công ty TNHH Toàn Thắng nợ BHXH 356 triệu đồng từ tháng 3-2015; Công ty TNHH Hợp tác quốc tế G.G nợ BHXH 207 triệu đồng từ tháng 5-2017…

Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 2.000 đơn vị tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, trong đó có khoảng 1.800 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là “siêu nhỏ” vì chỉ có vài lao động. Tuy nhiên, đến hết quý I-2018, trong số 542 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài nói trên có đến trên 200 doanh nghiệp “mất tích” với số nợ khó đòi lên đến trên 14 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó Giám đốc BHXH TP. Buôn Ma Thuột: “Sở dĩ xếp các doanh nghiệp này vào diện “mất tích” là do thanh tra, kiểm tra phát hiện các đơn vị này không còn hoạt động, không còn trụ sở tại địa chỉ đăng ký, xóa bỏ số điện thoại liên hệ, thậm chí xóa mã số thuế. Trong khi đó khoản nợ nói trên lại không thể xóa đi mà cũng không biết cách giải quyết như thế nào đành treo miết ở đó và tính vào nợ khó đòi”.

Cán bộ BHXH TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN tại một doanh nghiệp trên địa bàn phường Tân Lợi.
Cán bộ BHXH TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN tại một doanh nghiệp trên địa bàn phường Tân Lợi. Ảnh: N. Xuân

Việc các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài đã ảnh hưởng đến quyền lợi của không ít người lao động. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp lao động nữ làm việc tại Công ty TNHH Hợp tác quốc tế G.G, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Khôi, Công ty TNHH Toàn Thắng nghỉ chế độ thai sản nhưng chưa được thanh toán chế độ, thậm chí không thanh toán chế độ chỉ vì doanh nghiệp nợ BHXH. Lý giải về vấn đề này, phía cơ quan BHXH cũng nhận định, việc nợ đọng kéo dài của các doanh nghiệp gây thiệt thòi về quyền lợi của người lao động nguyên nhân trước hết là do nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH của đơn vị, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa cao. Song, nhìn nhận ở một góc độ khác còn một phần do người lao động hiểu biết về các chính sách, pháp luật về BHXH còn chưa đầy đủ, ít có đấu tranh khi chủ sử dụng lao động vi phạm luật về BHXH.

Tăng cường các giải pháp “tăng thu, giảm nợ”

Để đôn đốc, quản lý nợ, ngay từ đầu năm 2018, BHXH TP. Buôn Ma Thuột đã tập trung rà soát phân loại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, phân tích nguyên nhân từ đó đưa ra các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ; hằng tháng, hằng quý thực hiện đối chiếu cho các doanh nghiệp nằm trong diện quản lý về số liệu đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động và gửi văn bản đôn đốc đúng quy định; tăng cường phân công các tổ thu nợ, cán bộ phụ trách trực tiếp đến đơn vị, doanh nghiệp để vận động, thuyết phục đóng BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định, đặc biệt là các đơn vị nợ đọng số tiền lớn, thời gian kéo dài.

Bên cạnh đó, để phát triển BHXH, BHYT “tăng thu, giảm nợ”, đơn vị còn làm việc trực tiếp với chủ sử dụng lao động để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nợ kéo dài, tìm hướng tháo gỡ, giải quyết vấn đề nợ đọng, chẳng hạn như ký bản cam kết trả dần hằng tháng, hằng quý; ưu tiên giải quyết chế độ cho người lao động trong các trường hợp chốt sổ BHXH để chuyển công tác, lao động nữ nghỉ thai sản.

Một bộ phận người lao động do chưa hiểu hết tính ưu việt của chính sách BHXH mà chỉ quan tâm đến nguồn thu nhập hiện tại được hưởng, sợ bị trích mất một phần tiền lương để tham gia BHXH, làm giảm thu nhập của bản thân nên sẵn sàng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để không tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó Giám đốc BHXH TP. Buôn Ma Thuột cho biết thêm: Một trong những giải pháp mạnh mẽ và có tính thuyết phục cao mà cơ quan BHXH áp dụng trong vấn đề đôn đốc thu hồi nợ là đẩy mạnh thanh tra theo lịch và thanh tra đột xuất. Đặc biệt, đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, sau khi thanh tra đột xuất, cơ quan BHXH sẽ lập hồ sơ chuyển lên bộ phận thanh tra liên ngành để ra quyết định mạnh mẽ hơn về mặt pháp lý. Thậm chí, chuyển hồ sơ của đơn vị, doanh nghiệp sang cơ quan hữu quan để tiến hành các bước tiếp theo như khởi kiện hoặc xử lý hình sự. Đồng thời, tiến hành rà soát và bàn giao việc cấp sổ bảo hiểm cho người lao động quản lý. Đây cũng được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động. Đến nay, toàn thành phố đã có khoảng 70% trong tổng số trên 17.000 lao động được giao sổ BHXH.

Song song với các biện pháp nói trên, cơ quan BHXH thành phố còn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để khai thác, phát triển đối tượng. Cụ thể, phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình thành phố thực hiện chuyên mục hỏi đáp về BHXH, BHYT, BHTN; phát trên hệ thống loa phát thanh xã, phường; phổ biến những quy định mới để nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT vận động thu đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đạt hiệu quả cao; thành lập 4 tổ tuyên truyền, thường xuyên liên hệ với UBND 21 xã, phường và các đơn vị liên quan, hội đoàn thể tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải đáp thắc mắc cho người dân về các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN để tất cả mọi người dân đều có cơ hội tìm hiểu, nắm rõ và tham gia.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc