Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toán giảm nghèo đa chiều ở Cư Bông

09:07, 04/05/2018

Cư Bông (huyện Ea Kar) là xã vùng 3, hiện có trên 1.500 hộ với gần 8.900 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 68%.

Những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo như hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất; phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp hướng dẫn hộ nghèo cách thức làm ăn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”; xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả… Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của xã thực sự rất khó khăn, nhất là từ khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều.

Ông Phan Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, theo kết quả rà soát, đến cuối năm 2017, toàn xã còn 750 hộ nghèo, chiếm 48,73%; 288 hộ cận nghèo, chiếm 18,71%. Trong đó, có nhiều thôn, buôn hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao như: buôn Egal có 45 hộ thì toàn bộ đều là hộ nghèo; buôn Ea Bô có 70 hộ thì 60 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo; buôn Trưng có 169 hộ thì có 100 hộ nghèo, 32 hộ cận nghèo… Nhiều thôn, buôn khác tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% như: thôn 16, thôn 17, thôn 22, buôn Ebớt.

Anh Nông  Văn Dòng  (thôn 17) chăm sóc vườn cà phê của gia đình.
Anh Nông Văn Dòng (thôn 17) chăm sóc vườn cà phê của gia đình.

Là hộ nghèo của thôn 17, năm 2013, gia đình anh Nông Văn Dòng được hỗ trợ một con bò giống sinh sản từ Chương trình 135. Đến nay bò đã sinh sản được hai con bê. Nguồn phân từ chăn nuôi anh dùng để ủ bón cho 8 sào cà phê để tiết kiệm chi phí chăm sóc nhưng đến nay gia đình anh vẫn chưa thoát khỏi hộ nghèo. Anh Dòng phân trần: Trồng cây điều 6 năm không có trái nên gia đình chặt bỏ trồng cà phê. Nhưng do đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn nên cây phát triển chậm, năng suất thấp hơn các vùng khác, thu không đủ đầu tư. Trồng lúa thì phụ thuộc vào nước trời, năm được năm mất, cuộc sống rất bấp bênh, không biết đến khi nào mới khá lên được.

Buôn Ea Bô được thành lập từ năm 2006, theo Chương trình 132, mỗi hộ được cấp 6 sào đất trồng lúa và hoa màu. Tuy nhiên, do chưa có công trình thủy lợi, không chủ động được nguồn nước tưới nên người dân chỉ trồng được một vụ, năng suất thấp. Trưởng buôn Y Niên Niê giãi bày: “Sau 12 năm thành lập buôn vẫn còn 100% hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều gia đình tách hộ không có đất ở, đất đai sản xuất… Hơn nữa, cơn bão số 12 vào cuối năm 2017 vừa qua càng khiến cuộc sống bà con thêm chật vật, không đói là may lắm rồi chứ nói gì đến chuyện thoát nghèo”.

Cán bộ thôn 23 thực hiện công tác rà soát hộ nghèo cuối năm 2017.
Cán bộ thôn 23 thực hiện công tác rà soát hộ nghèo cuối năm 2017.

Ngoài những khó khăn do điều kiện tự nhiên thì “bài toán” giảm nghèo đa chiều của xã hiện đang nan giải bởi nhiều hộ nghèo do không có đất, không tư liệu sản xuất, gia đình neo đơn, già yếu, không có sức lao động; một số hộ còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Khả năng tích lũy trong dân còn hạn chế nên việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin theo chuẩn nghèo đa chiều càng thêm khó khăn. Nhiều hộ thoát nghèo nhưng nguy cơ tái nghèo cao. Theo ông Phan Duy Trung, để giải “bài toán” giảm nghèo đa chiều, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã tăng cường huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xã sẽ tập trung xây dựng những mô hình, cách làm hiệu quả nhằm hỗ trợ sinh kế cho những hộ nghèo, mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để tạo điều kiện phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.