Multimedia Đọc Báo in

Câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật" xã Quảng Hiệp: Nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên phụ nữ

08:34, 26/06/2018

Nhiều năm qua, Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với pháp luật” xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) trở thành “điểm tựa” tinh thần của chị em phụ nữ và người dân trên địa bàn.

Xã Quảng Hiệp là một xã thuần nông, có trên 2.600 hộ gồm 10 dân tộc  anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau, nhận thức về pháp luật của nhiều người dân còn hạn chế. Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế thì các vấn đề phức tạp của xã hội cũng nảy sinh, dẫn đến hệ lụy là tình trạng vi phạm pháp luật, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, bạo lực gia đình… có chiều hướng gia tăng. Sau khi khảo sát, năm 2006 Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã chọn Hội LHPN xã Quảng Hiệp là đơn vị thí điểm thành lập CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 30 thành viên.

Thành viên CLB “Phụ nữ với pháp luật” xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar khui heo đất tiết kiệm góp quỹ xây dựng nhà Đại đoàn kết.
Thành viên CLB “Phụ nữ với pháp luật” xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar khui heo đất tiết kiệm góp quỹ xây dựng nhà Đại đoàn kết.
 

“Hoạt động của CLB “Phụ nữ với pháp luật” không chỉ nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho hội viên phụ nữ, đưa pháp luật vào cuộc sống, thu hút chị em tham gia sinh hoạt Hội mà còn góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp và các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương”.

 

 
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hiệp Bùi Thanh Bình

Để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sức lan tỏa, năm 2012 Hội LHPN xã Quảng Hiệp đã thành lập thêm 2 CLB “Phụ nữ với pháp luật” ở thôn Hiệp Hòa và Hiệp Đoàn. Đến nay, 3 CLB đã thu hút 231 thành viên tham gia. Các CLB đã tổ chức sinh hoạt với nhiều hình thức đa dạng phong phú, phù hợp với từng đối tượng, dân tộc, trình độ nhận thức của chị em. Theo bà Trần Thị Xuân Sinh, Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ với pháp luật” xã Quảng Hiệp, thay vì chỉ trích dẫn các văn bản pháp luật một cách khô cứng dễ gây nhàm chán, khó tiếp nhận, các thành viên trong CLB đã xây dựng thành các tiểu phẩm bám sát tình hình thực tế của địa phương về các vấn đề như: tảo hôn, tranh chấp đất đai, trộm cắp, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, kế hoạch hóa gia đình, công tác hòa giải, dân vận, xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự… Cách làm này vừa tạo “sân chơi” cho các thành viên tập luyện, biểu diễn, vừa tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, giúp hội viên và người dân dễ dàng tiếp cận, nâng cao kiến thức pháp luật.

Ngoài ra, để tạo nên không khí vui vẻ, cởi mở, thu hút thêm hội viên tham gia, CLB còn tổ chức cho các thành viên sinh hoạt theo chủ điểm và lấy ý kiến đóng góp sau buổi sinh hoạt. Ban chủ nhiệm các CLB còn nghiên cứu các văn bản luật, Hiến pháp, kế hoạch, chương trình hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhằm rút ra các nội dung cốt lõi, phù hợp với nhận thức của hội viên để tổ chức tuyên truyền, quán triệt. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình…

Một tiểu phẩm tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình của CLB “Phụ nữ với pháp luật” xã Quảng Hiệp.
Một tiểu phẩm tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình của CLB “Phụ nữ với pháp luật” xã Quảng Hiệp.

Đặc biệt, các CLB thường xuyên phối hợp với Ban Tư pháp xã tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật bằng các hình thức như: sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, sáng tác thơ ca, hò, vè có nội dung liên quan đến quy định pháp luật để biểu diễn; tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng liên quan; gắn sinh hoạt CLB với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống dân tộc tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Loan, người dân thôn Hiệp Tiến cho hay, trước đây nhiều kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, nuôi dạy con cái chị chưa hiểu rõ, nhưng từ khi được CLB tuyên truyền chị đã nắm chắc hơn và áp dụng vào thực tiễn cuộc sống gia đình, vào quá trình giao dịch, mua bán nên mọi việc rất thuận lợi. 

Yến Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.