Multimedia Đọc Báo in

Hướng về phụ nữ vùng biên

06:45, 07/06/2018

Là chương trình cụ thể hóa phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được thực hiện với mong muốn huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ phụ nữ chủ động vươn lên, nâng cao đời sống, tích cực tham gia bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Lập gia đình rồi ra ở riêng, dù chăm chỉ làm ăn nhưng vì không có đất sản xuất nên vợ chồng chị H’Buel Byă (buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) thu nhập rất bấp bênh khi chỉ trông chờ vào số tiền làm thuê ít ỏi. Nhiều năm qua, mặc dù phải sống trong căn nhà cũ chật chội, đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nhưng gia đình chị vẫn không có điều kiện để sửa chữa. Trước tình cảnh đó, đầu tháng 4-2018, Hội LHPN tỉnh đã vận động kinh phí 45 triệu đồng giúp chị xây dựng căn nhà cấp 4, diện tích gần 40 m2. Hơn 1 tháng ở trong ngôi nhà mới, chị vẫn còn nghẹn lời xúc động khi nói về sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Phụ nữ đối với gia đình: “Có ngôi nhà kiên cố, gia đình không còn lo lắng khi mùa mưa về phải túm tụm trên khoảng nền chật chội để khỏi bị dột ướt. Thật không biết nói gì để tỏ lòng cảm ơn, sự quan tâm của  Hội và địa phương đã giúp gia đình có căn nhà. Đây là món quà lớn và cũng là động lực để vợ chồng tôi cố gắng làm ăn, vươn lên thoát nghèo”.

Đại diện CLB Nữ doanh nhân tỉnh tặng bò sinh sản cho phụ nữ nghèo tại huyện Ea Súp.
Đại diện CLB Nữ doanh nhân tỉnh tặng bò sinh sản cho phụ nữ nghèo tại huyện Ea Súp.

Tại huyện Ea Súp, xác định mục tiêu quan trọng trong “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Hội LHPN huyện đã lồng ghép tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, cận nghèo vùng biên giới và các đối tượng được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi có nhu cầu vay vốn. Hiện nay Hội LHPN huyện đang quản lý 72 tổ vay vốn với 2.905 thành viên, tổng dư nợ trên 76 tỷ đồng. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các tổ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, trả gốc và lãi đúng thời hạn, sử dụng phí ủy thác đúng quy định. Mới đây, Hội LHPN huyện đã phối hợp với 4 đồn biên phòng (735, 737, 739, 741) đóng chân trên địa bàn tổ chức chương trình hành động “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020, qua đó trao vốn khởi nghiệp - khởi sự kinh doanh cho 5 hội viên phụ nữ nghèo ở 3 xã biên giới (Ia R’vê, Ea Bung, Ia Lốp), với tổng số vốn 200 triệu đồng. 

Bên cạnh những chương trình hỗ trợ trực tiếp, Hội LHPN tỉnh còn phát động nhắn tin ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 đến toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ. Hoạt động này được các cấp Hội hưởng ứng và triển khai lồng ghép trong các cuộc họp, tập huấn, sinh hoạt định kỳ, qua đó vận động được hàng nghìn hội viên, phụ nữ, nhân dân cùng tham gia nhắn tin theo cú pháp BC gửi 1409 với mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng.

Tiếp tục phối hợp hỗ trợ

Thực hiện chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới gắn với hoạt động Hội và phong trào phụ nữ; cùng các cấp, ngành nỗ lực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và hội viên phụ nữ vùng biên. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều chị em, đặc biệt là chị em dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, chăm sóc sức khỏe, việc làm…

Mạnh thường quân tặng quà cho phụ nữ khó khăn tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Mạnh thường quân tặng quà cho phụ nữ khó khăn tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động nhằm huy động sự tham gia của các cấp Hội, phụ nữ và nhân dân cả nước chung tay đồng hành cùng Hội LHPN cơ sở nâng cao kiến thức về mọi mặt cho phụ nữ các dân tộc vùng biên giới; hướng dẫn hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội… Tại Đắk Lắk, chương trình được Hội LHPN tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết thực hiện với nhiều hoạt động hướng về xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, trọng tâm là ở 2 xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và xã Ia R’vê ( huyện Ea Súp).

Để hỗ trợ hội viên, phụ nữ vùng biên rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng, xã hội, tiếp thêm động lực giúp chị em yên tâm định cư lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với vùng biên cương của Tổ quốc.    

Mục tiêu Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đến năm 2020, Hội LHPN các xã tập hợp được trên 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia vào tổ chức Hội; giúp ít nhất 4 hộ/xã đạt tiêu chí “5 không 3 sạch”; hỗ trợ 7-10 phụ nữ/xã khởi nghiệp thành công.

 

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.