Báo động tình trạng đuối nước ở Cư M'gar
Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đuối nước, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thời gian qua trên địa bàn huyện Cư M’gar vẫn liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Vào những ngày nắng nóng, đến các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn huyện dễ dàng bắt gặp những em nhỏ đang tắm, bắt ốc… hay vui chơi tại đây. Việc thiếu kỹ năng bơi lội, cộng với không có người lớn đi cùng đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Đơn cử như: vào khoảng 11 giờ ngày 16-5-2018, trên đường đi học về, em H’Ân Kbuôr (9 tuổi) và em H’Noét Kbuôr (10 tuổi), đều là học sinh Trường Tiểu học Trần Cao Vân (xã Ea Tar) cùng hai học sinh khác xuống khu vực đập buôn K’Đón để bắt ốc. H’Ân và H’Noét không may đi vào chỗ nước sâu và bị đuối nước. Thấy các bạn gặp nạn, hai học sinh còn lại đã nhanh chóng gọi người dân địa phương đến ứng cứu nhưng khi vớt lên được thì H’Ân và H’Noét đã tử vong.
Điều đáng nói, tình trạng đuối nước không chỉ diễn ra ở trẻ em mà còn xảy ra với cả người lớn. Vào chiều 18-6, anh Lê Văn Thu (22 tuổi, trú tổ dân phố 3A, thị trấn Quảng Phú) cùng nhóm bạn đến khu vực hồ thủy lợi Buôn Joong (xã Ea Kpam) chơi. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, trời đổ mưa lớn, cả nhóm tìm chỗ trú thì không thấy anh Thu, sau đó phát hiện xe mô tô của anh Thu tại chân đập. Nghi ngờ chuyện không hay xảy ra, mọi người nhanh chóng trình báo lên chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. Do nước sâu, trời tối nên đến khoảng 10 giờ sáng 19-6, lực lượng chức năng mới vớt được thi thể anh Thu từ lòng hồ Buôn Joong.
Thanh niên thị trấn Quảng Phú lắp đặt biển cảnh báo đuối nước tại một con suối trên địa bàn. |
Trước tình trạng đuối nước ngày càng gia tăng, huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn đuối nước, nhất là đối với trẻ em như: tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về phòng chống đuối nước, không để trẻ tự ý ra tắm ở sông, suối, ao hồ…; tổ chức rà soát, cắm các biển cảnh báo tại các suối, hồ, đập trên địa bàn. Trong năm 2017, huyện đã tổ chức cắm 20 biển cảnh báo tại 16 suối, hồ, đập ở 6 xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường vận động thực hiện xã hội hóa đầu tư bể bơi trong các trường học và tổ chức dạy bơi cho học sinh, đến nay toàn huyện đã có gần 20 hồ bơi được xây dựng tại các địa phương… Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn, số trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước vẫn đang ở mức báo động. Nếu vào thời điểm này năm 2017, toàn huyện xảy ra 5 trường hợp tử vong do đuối nước thì hiện nay con số này đã lên đến 8 trường hợp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước, nhất là đối với ở trẻ em nhưng đa phần vẫn là do thiếu sự giám sát của người lớn, bố mẹ chủ quan để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ… Bên cạnh đó, nhiều trẻ chưa được rèn luyện về kỹ năng bơi lội nên khi xuống nước rất nguy hiểm, dễ xảy ra tình trạng đuối nước…
Ông Phạm Đình Trọng – Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Tai nạn đuối nước xảy ra chủ yếu ở trẻ từ 3 - 10 tuổi và gần như 100% các em bị đuối nước không biết bơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp, trong đó tập trung tuyên truyền phổ cập kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ; tăng cường việc rào chắn, lắp các hệ thống cảnh báo, nhắc nhở tại các ao, hồ…; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đầu tư bể bơi, giúp các em có điều kiện học bơi và sẽ kiến nghị với cấp trên có những chương trình dạy bơi cho các em”.
Trong giai đoạn 2017 – 2020, huyện Cư M’gar phấn đấu 100% trường Tiểu học, THCS, Tiểu học & THCS trong huyện triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ; 40% trẻ em trong độ tuổi Tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; giảm số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước hằng năm, tiến tới không có trẻ bị đuối nước sau năm 2020. |
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc