Multimedia Đọc Báo in

Nan giải tình trạng sinh đông con ở Nam Ka

08:54, 15/07/2018

Thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai hiện đại cộng với quan niệm bảo thủ “tôi đẻ thì tôi nuôi” khiến nhiều cặp vợ chồng ở xã Nam Ka (huyện Lắk) sinh đông con và sinh rất dày. Hệ lụy là cuộc sống của nhiều gia đình vốn đã khó khăn nay càng thêm túng quẫn…

Anh Y Biên Bdap (40 tuổi) và chị là H’Hoen Hdruê (41 tuổi) ở buôn Knia là cặp vợ chồng đông con nhất xã Nam Ka, với 9 người con; trong đó, đứa đầu 23 tuổi, còn đứa thứ 9 mới sinh năm 2017. Sinh đông và sinh dày nên chị H’Hoen thường xuyên đau ốm, gánh nặng cuộc sống gia đình anh Y Biên phải gồng mình gánh vác. Hằng ngày, anh phải đi làm thuê, làm mướn đủ mọi việc để có tiền mua gạo; nhưng nhiều hôm vẫn không đủ ăn. Những đứa con của anh đều còi cọc và đáng thương. Cuộc sống khó khăn, khổ cực nhiều lúc làm cho anh Y Biên chán nản, bế tắc. Càng ngày anh càng lười lao động, nhưng lại thích uống rượu cho đến say mới thôi. Khi cán bộ dân số đến tư vấn, vận động kế hoạch hóa gia đình thì vợ chồng anh Y Biên không hợp tác, thậm chí anh còn nói những lời khó nghe “tao đẻ thì tao nuôi, không liên quan đến mày” và xua đuổi ra khỏi nhà.

 Anh Y Briu  và những đứa con  gầy ốm, lem luốc.
Anh Y Briu và những đứa con gầy ốm, lem luốc.

Vợ chồng anh Y Briu Bkrông và chị H’Quét Kbin (cũng ở buôn Knia) năm nay mới 32 tuổi nhưng đã có 5 đứa con (gồm 4 trai và 1 gái); trong đó, con đầu 10 tuổi, còn đứa thứ năm mới hơn 1 tuổi. Nhưng có lẽ số con của vợ chồng Y Briu sẽ còn tăng lên vì vợ chồng anh chưa sử dụng biện pháp tránh thai. Không có đất đai để canh tác, hằng ngày anh Y Briu phải đi làm cỏ thuê, hái cà thuê, hay bốc vác... Nhiều năm nay, gia đình anh luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc; các con chưa đứa nào được đi học... Những đứa trẻ trong gia đình này từ khi sinh ra đều bị suy dinh dưỡng, trông chúng gầy ốm và lem luốc.

Ở xã Nam Ka, việc mỗi cặp vợ chồng sinh từ 5 - 6 con là chuyện bình thường, thậm chí nhiều gia đình có từ 8 - 9 con.

Xã Nam Ka hiện có 557 hộ với 2.490 nhân khẩu sinh sống ở 7 buôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 90%, với nhiều dân tộc anh em như Tày, Thái, Nùng, Êđê, Mnông... Không riêng gì ở buôn Knia mà nhiều năm nay tình trạng sinh con thứ ba trở lên xảy ra ở tất cả các buôn của xã. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Lắk, hằng năm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở xã Nam Ka chiếm từ 20% trở lên, riêng năm 2017 là 26%.

Nhằm giảm thiểu tình trạng sinh con thứ ba trở lên, Ban Dân số - KHHGĐ xã Nam Ka đã phối hợp với các đoàn thể trong xã tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số; tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/Kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số buôn còn tích cực tư vấn, vận động trực tiếp đến hộ gia đình song hiệu quả còn rất hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn xã có 31 trẻ sinh ra thì có đến 7 trẻ là con thứ ba trở lên. Nguyên nhân là do trình độ dân trí thấp, dân cư sinh sống rải rác; ý thức và sự hiểu biết của người dân về các biện pháp tránh thai còn thấp (có người còn cho rằng: đình sản hoặc đặt vòng tránh thai sẽ bị động kinh)... Chị Nguyễn Thị Ly, cán bộ chuyên trách dân số xã Nam Ka cho biết: “Để tổ chức được một buổi truyền thông tại cộng đồng, chúng tôi phải vận động nhiều lần các đối tượng mới tham gia, mà chủ yếu là phụ nữ. Đến khi về nhà họ lại quên hoặc cố tình không sử dụng biện pháp tránh thai. Thậm chí, khi đến tư vấn hộ gia đình, chúng tôi phải chịu đựng những lời khó nghe của những ông chồng suốt ngày say xỉn “tao đẻ thì tao nuôi” hay “đẻ khi nào hết trứng mới thôi”, “ra khỏi nhà tao ngay”...

Hiện tại ở xã Nam Ka, trong số 340 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì vẫn còn 120 cặp chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có cặp đã sinh rất nhiều người con. Việc vận động họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình vẫn là một thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở địa phương.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.