Multimedia Đọc Báo in

Tận tâm với công tác hội

08:48, 09/07/2018

Dù phụ cấp ít ỏi, công việc vất vả nhưng chị Lê Thị Huệ (Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Siên, TX. Buôn Hồ) và anh Trần Trung Kiên (Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Ni, huyện Ea Kar) vẫn gắn bó, tận tâm, tận lực, hết lòng vì công tác Hội ở cơ sở.

Cán bộ phụ nữ hết lòng vì công việc

Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội, gần 7 năm đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Siên (TX. Buôn Hồ), chị Lê Thị Huệ đã có nhiều đóng góp đưa phong trào hội phụ nữ cơ sở ngày một phát triển.

Hội LHPN xã Ea Siên hiện có 1.107 hội viên sinh hoạt tại 11 chi hội thôn, buôn trong đó hội viên dân tộc thiểu số chiếm 78,2%. Trước đây, nhiều chị em có lối sống khép kín, ngại tham gia các phong trào của hội; tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chiếm hơn 40%, tỷ lệ hội viên tham gia tổ chức hội chỉ đạt hơn 60%. Cán bộ Hội phụ nữ đa số đã lớn tuổi, kỹ năng tuyên truyền và nghiệp vụ còn hạn chế nên chất lượng các phong trào hoạt động của Hội Phụ nữ xã chưa thực sự sôi nổi. Trước những khó khăn đó, khi đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Huệ thường xuyên tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em, hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực như: tổ chức văn nghệ gây quỹ, phát động ủng hộ trong hội viên, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn hỗ trợ gia đình hội viên khó khăn, xây dựng Mái ấm tình thương…

Chị Lê Thị Huệ (đầu tiên từ trái sang) tham gia một  cuộc thi nấu ăn  do Hội phụ nữ  tổ chức.
Chị Lê Thị Huệ (đầu tiên từ trái sang) tham gia một cuộc thi nấu ăn do Hội phụ nữ tổ chức.

Song song với đó, chị Huệ còn chú trọng tuyên truyền, triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chị đã phối hợp với các ban ngành rà soát hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có biện pháp giúp đỡ; hướng dẫn hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình tổ nhóm tiết kiệm, góp vốn xoay vòng... Hội LHPN xã Ea Siên đã trao vốn khởi nghiệp cho 16 hội viên với số tiền 84,4 triệu đồng với các mô hình mở quán tạp hóa, dịch vụ cơ khí, nuôi gà thả vườn; huy động thực hành tiết kiệm tại các cơ sở hội được 196,7 triệu đồng, qua đó giúp cho 27 chị em được vay vốn phát triển sản xuất. Bản thân chị Huệ cũng tiết kiệm được 40 triệu đồng, cho 2 hội viên vay không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN xã cũng đã vận động thành lập Hợp tác xã nuôi gà thả vườn với quy mô từ 900 con lên 4.000 con gà, tạo việc làm cho 10 nữ lao động nông thôn; tạo điều kiện cho 35 hội viên tham gia học lớp may công nghiệp; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình với  tổng dư nợ hơn 3,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, riêng trong năm 2017, Hội LHPN xã Ea Siên có thêm 10 hộ gia đình hội viên đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”; có 6 hội viên được giúp đỡ thoát nghèo; phát triển thêm 41 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 1.107 người.

Hội LHPN xã Ea Siên từ đơn vị trung bình đã vươn lên đơn vị vững mạnh xuất sắc tiêu biểu; được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen, cá nhân chị Lê Thị Huệ vinh dự được Tỉnh ủy, Tỉnh Hội, Thị ủy Buôn Hồ tuyên dương là gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cán bộ Hội Nông dân tận tụy, gương mẫu

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Chăn nuôi thú ý Trường Đại học Tây Nguyên, anh Trần Trung Kiên về nhận nhiệm vụ là cán bộ Thú y xã Cư Ni (huyện Ea Kar), năm 2013 anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã.

Anh Trần Trung Kiên đến thăm  một mô hình phát triển kinh tế  của hội viên trong xã.
Anh Trần Trung Kiên đến thăm một mô hình phát triển kinh tế của hội viên trong xã.

Xuất thân từ gia đình nông dân, trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp nên anh Kiên thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân. Anh luôn tích cực đi đầu trong mọi hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, chủ động tham mưu cho đảng ủy, chi bộ các thôn, buôn lựa chọn những chi hội trưởng nhiệt tình, tâm huyết với Hội và am hiểu về sản xuất nông nghiệp làm nguồn. Với phương châm “Mỗi hội viên là một hạt nhân tích cực trong công cuộc giảm nghèo”, anh đã hướng dẫn các chi hội gắn việc thực hiện phát triển kinh tế với các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân xây dựng nông thôn mới”; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, tư vấn nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cây trồng, vật nuôi để nâng cao khả năng, trình độ sản xuất cho hội viên và đông đảo nông dân. Hội Nông dân xã cũng đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giúp hội viên vay vốn, có thêm điều kiện phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hội viên, nông dân đã có những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như mô hình chăn nuôi tổng hợp, trồng cây ăn trái, trồng mía, kinh doanh... mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ năm 2013 đến nay, Hội Nông dân xã Cư Ni đã phối hợp tổ chức được 82 buổi hội thảo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 5.792 lượt hội viên; đứng ra tín chấp 700 tấn phân bón các loại trị giá hơn 2 tỷ đồng đồng cho 70 hộ nông dân; triển khai chương trình hỗ trợ 2.000 cây giống đạt chất lượng giúp nông dân tái canh cà phê niên vụ 2016 và 2017; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, tỉnh mở được 5 lớp dạy nghề tại địa phương với sự tham gia của 141 hội viên; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai thực hiện tín dụng với tổng dư nợ đạt gần 15 tỷ đồng cho 702 hộ vay vốn sản xuất. Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn vận động hội viên hỗ trợ, giúp đỡ nhau được 420 cây giống các loại, 510 con giống, 1.430 ngày công lao động, huy động được 500 triệu đồng giúp 230 hộ nông dân phát triển kinh tế. Thực hiện chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã đã vận động nông dân hiến được 72.293 m2 đất, 4.500 cây trồng các loại, 2.368 ngày công, đóng góp hàng tỷ đồng để làm mới và tu sửa được 100 km đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng...

Với những thành tích đạt được, Hội Nông dân xã Cư Ni đã đạt danh hiệu xuất sắc tiêu biểu nhiều năm liền. Cá nhân anh Kiên cũng nhận được nhiều giấy khen của Hội Nông dân huyện và UBND huyện Ea Kar trao tặng. Năm 2017 anh Kiên đã được Hội Nông dân huyện tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân.

Ninh Trang - Bình Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.