Multimedia Đọc Báo in

Nữ trưởng buôn nặng lòng với văn hóa thổ cẩm

10:44, 25/08/2018
Từng có một thời, nghề dệt thổ cẩm ở buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột bị mai một, người Êđê trong buôn đành xếp khung cửi vào góc bếp nhà sàn. Thế nhưng, những chiếc khung cửi tưởng chừng bị lãng quên vì phủ bụi thời gian đã lại vang tiếng kẽo kẹt nhờ sự “đánh thức” của nữ trưởng buôn Nguyễn Thị Thanh Hương.
 
Bà Hương tham gia hoạt động phong trào ở địa phương từ năm 1999. Trong vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ của buôn, bà Hương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhờ thông thạo tiếng Êđê, am hiểu phong tục tập quán của họ, lại  thường xuyên bám sát địa bàn, gần gũi bà con trong buôn nên bà Hương được người dân quý mến.  Năm 2007, bà được tín nhiệm bầu làm buôn trưởng. Việc đầu tiên  là bà “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người Êđê trong buôn phục dựng nghề dệt thổ cẩm. 
 
Bà Hương chia sẻ: “Vào năm 2001, buôn Alê A thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm để lưu giữ văn hóa truyền thống và tạo việc làm cho người dân trong buôn. Sau một thời gian hoạt động, hợp tác xã tan rã vì các sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nhiều hộ dân đành cất gọn khung cửi để đi làm thuê, làm nương rẫy kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Khi ấy, câu hỏi “làm sao để có thể vừa phục dựng nghề dệt thổ cẩm, vừa tìm được đầu ra để bà con yên tâm làm nghề”  luôn đau đáu trong lòng tôi”. Ban đầu, việc vận động gặp nhiều khó khăn, chỉ có 3 hộ dân tham gia hưởng ứng. Nhưng bà Hương không nản chí, vẫn kiên trì đến từng nhà gặp từng người để vận động.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột  (ngoài cùng bên trái) cùng hội viên phụ nữ góp tiền vào heo đất tiết kiệm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột (ngoài cùng bên trái) cùng hội viên phụ nữ góp tiền vào heo đất tiết kiệm.
Đến nay, toàn buôn đã có 9 hộ tham gia dệt thổ cẩm, trong đó nhiều hộ gia đình có 2-3 thế hệ cùng lưu giữ nghề dệt. Các sản phẩm thổ cẩm như khăn, khố, áo quần … được bà Hương trực tiếp đứng ra liên hệ tiêu thụ tại các cửa hàng lưu niệm, khu du lịch, hoặc khi khách hàng có nhu cầu mua thổ cẩm bà đều gác mọi công việc để kết nối cho phường dệt. Bên cạnh đó, năm 2012, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo TP. Buôn Ma Thuột về việc hỗ trợ vay trả chậm cho người dân phát triển kinh doanh trong đó có hỗ trợ kinh phí mua chỉ dệt, bà Hương đã đứng ra giúp các hộ dân vay để phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí nguyên liệu. Ngoài ra, bà Hương cũng vận động thanh thiếu niên người Êđê và các dân tộc khác tham gia học để lưu giữ nghề dệt.  
 
Không chỉ nặng lòng với văn hóa dệt thổ cẩm, nữ trưởng buôn Nguyễn Thị Thanh Hương còn vận động người dân phục hồi văn hóa nấu rượu cần, ở nhà sàn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để vừa giảm công lao động vừa tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, bà cũng vận động hội viên phụ nữ trong buôn xây dựng mô hình heo đất tiết kiệm làm theo lời Bác để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Với những nỗ lực không ngừng trong các phong trào của địa phương, bà Hương nhiều năm liền được UBND phường Ea Tam, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan, ban, ngành khen thưởng và tuyên dương.  
 
Điều khiến bà Hương luôn cảm thấy ấm lòng là ngày càng có nhiều người dân, đặc biệt là người Êđê và du khách tìm đến đặt mua thổ cẩm để sử dụng trong các dịp lễ hội. Tuy nhiên, bà cũng rất trăn trở là hiện nay để dệt được thổ cẩm mất rất nhiều thời gian và công sức, chi phí nguyên liệu đầu vào lại cao nên giá thành sản phẩm cũng khá cao. Trong khi đó, những trang phục có giá thành phải chăng, tiện lợi được bày bán ở chợ rất nhiều càng khiến thổ cẩm khó có thể cạnh tranh. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của nữ trưởng buôn là nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc quảng bá sản phẩm cũng như tìm thị trường tiêu thụ để nghề dệt thổ cẩm của người dân buôn Alê A nói riêng và người Êđê nói chung được bảo tồn và phát triển.
 
Hồng Chuyên
 
 

Ý kiến bạn đọc