Vào đời bằng ý chí tự lập
08:52, 26/08/2018
Mặc dù dở dang việc học, không làm đúng chuyên ngành nhưng nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn tự lập bằng nhiều nghề khác nhau để ổn định cuộc sống.
Bỏ đại học tự mở lớp dạy tiếng Anh
May mắn có bố và anh trai kèm cặp tiếng Anh từ lúc còn học phổ thông nên H’Yôi Rcăm (SN 1995, ở buôn Wing, thôn Ea Tút, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) đã sớm bộc lộ năng khiếu ngoại ngữ. Năm 2015, H’Yôi trúng tuyển ngành Ngoại ngữ Anh Trường Đại học Tây Nguyên. Từ những ngày đầu ở giảng đường, khả năng giao tiếp tiếng Anh của H’Yôi đã khiến không ít bạn sinh viên thán phục và nhờ dạy kèm. Từ đấy hành trình dạy thêm Anh văn của cô gái Êđê bắt đầu. Tuy nhiên học hết năm thứ nhất thì gia đình có biến cố, điều kiện eo hẹp khiến H’Yôi phải nghỉ học. Rời xa giảng đường đại học, H’Yôi mạnh dạn bươn chải tự lập ở TP. Buôn Ma Thuột, ban ngày nhận dạy kèm học viên tại phòng trọ, ban đêm đi dạy thêm tại Trung tâm tiếng Anh. Sau một thời gian, H’Yôi quyết định tự mở lớp, trang bị thêm dụng cụ dạy học như bàn ghế, bảng viết... Ban đầu lớp học chỉ là những bạn biết H’Yôi khi còn là sinh viên, dần về sau ngày càng nhiều bạn xin học qua lời giới thiệu của những học viên cũ.
H’ Yôi Rcăm (bìa phải) rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học viên. |
Từ năm 2015 đến nay, H’Yôi đã dạy kèm trên 100 học viên ở mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên cho đến anh chị lớn tuổi đã đi làm, có công việc ổn định muốn trau dồi thêm vốn tiếng Anh. Với công việc này, H’Yôi có thu nhập trung bình trên 7 triệu đồng/tháng. Mới đây H’Yôi nhận lời mời tham gia một dự án khóa học online nên khá bận rộn. Điều đặc biệt là gặp trường hợp học trò ham học mà quá khó khăn về tài chính, H’Yôi sẵn sàng tạo điều kiện miễn học phí. Khi được hỏi có trăn trở về lựa chọn hiện tại của bản thân không?, H’Yôi cười vui: “Mỗi người có một lựa chọn và con đường đi riêng, bản thân H’Yôi cũng thế, mình rất thích công việc đứng lớp này bởi vừa giúp thỏa niềm đam mê vừa cải thiện kỹ năng tiếng Anh. Nói vậy chứ mình không có ý khuyến khích các bạn bỏ học đại học như mình đâu, bởi cuộc sống mà, đâu ai giống ai được”.
Cử nhân sư phạm khởi nghiệp bằng… nghề may
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng cử nhân sư phạm trên tay, Đặng Thị Ngọc Lành (SN 1990, trú tại thôn 2, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) không xin được việc làm. Tuy nhiên Lành không bỏ cuộc bởi cô tin rằng cánh cửa này đóng sẽ có cánh cửa khác mở ra cho mình. Lập gia đình rồi, Lành vẫn luôn đau đáu tìm việc. Giữa năm 2014, khi vừa mới sinh con đầu lòng, tình cờ nhìn thấy máy may cũ đạp bằng chân, Lành bỗng liên tưởng đến những bộ đầm xinh xắn và cái duyên may vá bắt đầu từ đây.
Đặng Thị Ngọc Lành giới thiệu sản phẩm may mặc của mình trên Facebook. |
Tận dụng mạng xã hội và các kênh hướng dẫn tập may cơ bản, Lành đã vượt qua mọi khó khăn ban đầu. Vì có con nhỏ nên gần như thời gian tìm tòi tự học cách may chỉ là tranh thủ những lúc con ngủ và nhiều khi phải thức đêm tự mày mò. Ban đầu chỉ là những cái áo, váy đầm cho các thành viên trong gia đình, dần dần thành thạo Lành cho ra những sản phẩm thời trang hiện đại. Nắm bắt xu thế thời trang, Lành thiết kế nhiều kiểu váy từ bình dân đến cao cấp đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Để dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với khách hàng, Lành đăng bán thêm sản phẩm trên mạng xã hội facebook, zalo… Lành chia sẻ: “Không xin được việc làm đúng ngành thì mình tìm cơ hội khác để phát triển. Công việc may vá không bị gò bó về thời gian, mình lại được thỏa sức sáng tạo. Hơn nữa, mình có nhiều thời gian dành cho gia đình và đặc biệt là thu nhập khá ổn định.”
Có thể nói trong cuộc sống thành công hay không còn tùy thuộc sự cố gắng của bản thân mỗi người. Được học hành bài bản, đến nơi đến chốn thì quá tốt, nhưng không nhất định phải là học đại học mới có tương lai.
Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc