Multimedia Đọc Báo in

Khổ luyện nghề múa lân sư rồng

08:10, 20/09/2018

Càng gần đến Tết Trung thu, sân tập của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh trở nên sôi động hơn khi các thành viên của Đội võ thuật lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường Buôn Ma Thuột đang ráo riết tập luyện chuẩn bị cho mùa biểu diễn đến gần.

“Hồi nhỏ rất thích xem múa lân!” - là câu trả lời của hầu hết mọi người nhưng ít ai biết rằng để có được những màn múa huyền ảo, sôi động đòi hỏi người múa phải có sức khỏe dẻo dai, đặc biệt là kỹ thuật. Điều này phải khổ luyện hằng năm trời mới có thể thực hiện được.

Em Y Thông ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) là người múa lân chính của Đội võ thuật lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường. Y Thông  (SN 1996), học võ từ năm 2010, đến năm 2014 thi đỗ vào một trường trung cấp y tại TP. Buôn Ma Thuột. Trong một lần đi luyện võ thấy các bạn tập múa lân, Y Thông mê quá nên xin vào tập luyện cùng đội. Y Thông kể: “Dù đã biết võ nhưng em không nghĩ để múa được lân phải khổ luyện như vậy. Thời gian đầu, chúng em tập chạy đường dài nâng cao thể lực, sau đó tập đứng tấn giúp chân chắc khỏe, hằng ngày phải tập nhảy lên, xuống các trụ gỗ cao từ 20 đến 40 cm hàng trăm cái. Tập cả năm trời các động tác này rồi mới bắt đầu tập múa lân”.

Các thành viên Đội lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường Buôn Ma Thuột đang ráo riết tập luyện.
Các thành viên Đội lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường Buôn Ma Thuột đang ráo riết tập luyện.

Cũng như Y Thông, em Lâm Đức Thế (SN 1995) ở thôn 3, xã Cư Yang (huyện Ea Kar) là bạn diễn cùng Y Thông chia sẻ: “Để thực hiện được một số động tác trong múa lân, hai người phải có chung đam mê thì mới thực hiện được. Nếu không phối hợp nhịp nhàng ăn ý với nhau, các động tác múa không có hồn, không giống như thật và sẽ rất gây nguy hiểm. Lứa tụi em có gần 20 người luyện tập nhưng sau cùng chỉ còn em và Y Thông là trụ lại với nghề”.

 
“Việc tập luyện múa lân phải có người trước hướng dẫn người sau, nếu không sẽ không thực hiện được. Mặt khác chúng em cũng muốn truyền lại   niềm yêu thích cho các em nhỏ để gìn giữ và phát triển môn nghệ thuật múa lân sư rồng truyền thống này”.
 
Em Lâm Đức Thế, thành viên Đội võ thuật lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường Buôn Ma Thuột

Ngoài các bài biểu diễn truyền thống như: Địa cửu, Địa vũ…, hiện nay múa lân được chia làm hai loại múa chính là: múa leo cây trúc dài 9 m để hái lộc và múa Mai Hoa Thung. Em Lâm Đức Thế cho biết, Mai Hoa Thung là bài múa khó nhất, người múa đầu lân không chỉ nhún nhảy nhẹ nhàng mà còn phối hợp hoàn hảo các động tác tay điều khiển mắt, miệng, tai của lân. Còn người múa thân lân phải có sức mạnh để giúp người múa đầu lân trong những pha bay, nhảy. Hai người phối hợp ăn ý mới có thể leo lên được dàn Mai Hoa Thung có 21 cột (thấp nhất 1,2 m và cao nhất 2,5 m). “Phải có tấn pháp tốt, bản lĩnh võ thuật vững vàng, phối hợp thật nhuần nhuyễn để làm cho lân trở nên sinh động, biểu thị được sắc thái hung dữ, buồn, vui... thì mới biểu diễn được bài Mai Hoa Thung. Trung bình một người học võ mất ít nhất 3 năm tập luyện mới có thể biểu diễn được bài múa này. Nếu không sẽ dễ bị tai nạn, chấn thương và không thể biểu diễn được nữa”, Thế trò chuyện.

Đội võ thuật lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường Buôn Ma Thuột hiện có 50 thành viên, được chia làm hai đội. Trong đó, Y Thông và Lâm Đức Thế đều là những cao thủ Karate đệ tam đẳng và là cặp múa lân giỏi nhất. Ngoài việc thường xuyên tập luyện, thực hiện các bài múa, Thông và Thế  đảm nhận luôn việc truyền dạy nghề lại cho các đồng môn.

Em Y Thông đang tập nhảy qua những cây cột của bài múa Mai Hoa Thung.
Em Y Thông đang tập nhảy qua những cây cột của bài múa Mai Hoa Thung.

Hiện nay, các đội lân sư rồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không còn nhiều do công việc này không ổn định, quá trình tập luyện lâu năm gian khổ đòi hỏi một nền tảng thể lực cao… Do đó, chỉ có niềm đam mê cháy bỏng mới có thể giúp họ khổ luyện hằng năm trời để gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật biểu diễn công phu này.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.