Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn tảo hôn ở Bình Lợi

09:14, 18/10/2018

Cùng với Công an huyện Ea Súp, chúng tôi vào thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) để thăm hỏi, tặng quà bà con bị ảnh hưởng sau cơn bão giữa tháng 4-2018. Trên trục đường chính vào thôn nghèo, chúng tôi bắt gặp nhiều em gái đang địu con trẻ trên lưng. Đưa tay chỉ một bé gái đang dắt tay bé trai tung tăng trên đường, cán bộ công an huyện nói: “Đó là hai mẹ con đấy!”.

Em Lý Thị Mị (SN 1992) dân tộc Mông lấy chồng đã hơn 10 năm, hiện là mẹ của năm đứa con (bốn con gái và một con trai), đứa lớn nhất mới 9 tuổi, còn đứa nhỏ nhất được 7 tháng tuổi. “Em muốn có hai con trai, nhưng đẻ mãi chỉ có một đứa nên sẽ cố đẻ nữa đến khi nào có mới thôi”, Mị hồn nhiên nói. 

Qua hỏi chuyện được biết, chồng Mị quanh năm đi rẫy, đi rừng, khi thì làm thuê. Mị kể, em gặp chồng trong chuyến đi theo gia đình từ miền Bắc vào đây sinh sống. Bố mẹ muốn gả em nhưng vì nhà nghèo không có tiền làm mâm cỗ cưới (theo phong tục của người Mông nhà gái phải tổ chức đám cưới) nên Mị và chồng chỉ dắt nhau về sống chung. “Ở đây con gái vừa lớn mà không lấy chồng coi như ế! Xấu hổ lắm”, Mị nói. Gia đình Mị có đến bảy miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào 1 ha rẫy cằn cỗi chỉ trồng được mỗi cây ngô, cây sắn..., nên nghèo đói cứ bám riết lấy. Quan sát căn nhà của Mị thấy chẳng có tài sản gì ngoài mấy chiếc nồi méo mó, đen sì ở góc bếp; một góc nhà là giường ngủ, một góc được quay lại để nuôi mấy con gà, con vịt. “Đâu phải gia đình nào cũng có tivi, đài… để xem hả chị”, Mị nói.

Em Lý Thị Mị lấy chồng từ năm 13 tuổi và giờ đã có ba đứa con.
Em Lý Thị Mị lấy chồng từ năm 13 tuổi và giờ đã có ba đứa con.
 
“Thôn Bình Lợi được thành lập từ năm 2010, hiện có 380 hộ dân, trong đó có 98 hộ nghèo.Ở đây, số gia đình có hai con chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn có 6 - 7 đứa, hộ ít cũng 3 - 4 đứa con; lứa tuổi làm cha, làm mẹ trẻ nhất trong thôn là 13 tuổi”.
 
Ông Hoàng Văn Bá, Thôn phó thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan

Trường hợp của Mị không phải là cá biệt ở thôn Bình Lợi, có nhiều em gái ở đây đã trở thành mẹ khi “ăn chưa no, lo chưa tới” và sinh dày (đứa lớn vừa biết đi, bập bẹ nói thì mẹ đã mang thai được vài tháng). Em Lý Thị Bàn (16 tuổi) buồn bã nhớ lại: “Bụng em cứ mỗi ngày một to lên, đến khi nghe bố mẹ nói em mới biết mình mang thai. Em không đi khám thai hay đi siêu âm gì cả mà chỉ đến thầy cúng. Em sinh non, con bị đủ các thứ bệnh. Khi con được gần 1 tuổi thì mắt trái bắt đầu sưng lên, sau còn chảy nước màu đỏ. Được các cô, chú ở xã chỉ đưa con lên bệnh viện tỉnh khám, hai vợ chồng em đưa con đi. Các bác sĩ chẩn đoán mắt con bị viêm mủ nặng phải nhập viện điều trị, do không có tiền nên vợ chồng em bế con về”.

Anh Trần Kim Chất, Phó Bí thư Đoàn xã Cư M’lan cho biết, trong thôn Bình Lợi việc cha mẹ thúc giục con cái kết hôn sớm để “yên bề gia thất” không hiếm. Ngoài nguyên nhân là do nhận thức của người dân hạn chế, thì sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần, vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng tảo hôn không chỉ gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các em, mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đời sống của hầu hết những cặp vợ, chồng tảo hôn ở thôn Bình Lợi hiện nay đều khó khăn. Với những cô gái phải làm vợ, làm mẹ quá sớm như Mị, Bàn... kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và kinh nghiệm sống đều chưa có, cơ thể người mẹ lại chưa phát triển hoàn thiện nên ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi, sức khỏe của người mẹ. 

Em Lý Thị Hoa (16 tuổi) bên cạnh đứa con gái hơn 3 tuổi của mình.
Em Lý Thị Hoa (16 tuổi) bên cạnh đứa con gái hơn 3 tuổi của mình.

Chia tay thôn Bình Lợi, hình ảnh những bé gái gương mặt non nớt nhưng đã “tay bồng, tay bế” cứ ám ảnh chúng tôi. Cuộc sống nghèo đói, kèm theo đó là những phong tục, tập quán lạc hậu đã buộc chặt con người nơi đây trong vòng tù túng, cơ cực. Tình trạng tảo hôn đã và đang đoạt đi quyền được học tập, vui chơi của trẻ em gái, buộc phải sống trong sự lạc hậu, nghèo đói với rất nhiều nguy cơ tổn hại về sức khỏe, tinh thần…

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.