Những "bóng hồng" sau tay lái
Lái xe chở khách là nghề nguy hiểm, vất vả nên nó phù hợp và thường được “gắn mác” cho cánh mày râu. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, một số chị em vẫn bám trụ, rong ruổi theo từng “cuốc” xe, dù biết nghề này sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro.
Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1991, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đã gắn bó với nghề lái taxi hơn 7 năm nay. Việc đến với nghề này với em cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. Dương là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em, nên mẹ muốn em tìm kiếm một công việc nhẹ nhàng, phù hợp với phái nữ. Thế nhưng vì đam mê với tay lái, vì thích được đi đây đó nên Dương vẫn quyết định theo nghề này. Tròn 20 tuổi, Dương trở thành tài xế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk.
Đến nay hơn 7 năm gắn bó với nghề cầm lái, có lúc em phải đối mặt với những rủi ro. Dương kể, chuyến xe đáng nhớ nhất của em là vào cuối năm 2012, có khách gọi đến đón tại một nhà nghỉ ở đường Đinh Tiên Hoàng (TP. Buôn Ma Thuột), hành khách gồm 2 nữ và 1 nam. Sau khoảng 6 giờ đồng hồ chạy lòng vòng trên các tuyến phố theo yêu cầu của khách, đến 23 giờ cùng ngày em trả khách tại một khách sạn trên đường Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột). Tuy nhiên, khi xuống xe, cả 3 vị “thượng đế” đều không chịu trả tiền xe, không những thế các vị này còn “ẵm” luôn điện thoại của em. Nghi ngờ 3 vị khách này không phải là người đàng hoàng, Dương đã di chuyển đến vị trí khác rồi mượn điện thoại gọi báo công an. Mãi đến 2 giờ sáng hôm sau, vụ việc mới giải quyết xong, Dương lấy lại điện thoại và số tiền chạy xe. Còn gần đây, trong chuyến chở 1 khách nam từ huyện Cư M’gar về TP. Buôn Ma Thuột, trong quá trình xe di chuyển, vị khách này luôn tỏ ra từ tốn, lịch sự, song khi xe chạy đến đường Hà Huy Tập (TP. Buôn Ma Thuột) bất ngờ khách mở cửa, xuống xe, không chịu trả tiền. Thời điểm đó trời tối, đoạn đường lại vắng nên em đành chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”.
Tài xế Nguyễn Thị Dương trên đường đến điểm đón khách. |
Còn chị Nguyễn Thị Mười (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) trở thành tài xế của Công ty TNHH Du lịch Quyết Tiến hơn 1 năm nay, nhưng cũng đã “nếm” không ít những “cuốc xe đen”. Chị Mười bộc bạch, sau nhiều năm tích góp, vợ chồng chị đã mua được chiếc xe 5 chỗ ngồi. Trước đây chị cũng trải qua nhiều nghề, làm ở nhiều nơi, song thu nhập không ổn định nên vợ chồng chị quyết định theo nghề lái taxi. Cứ thế, hai vợ chồng chia ca thay nhau chạy xe. Do còn 2 con nhỏ nên chị thường chạy khung giờ từ 13 đến 17 giờ chiều hằng ngày, khoảng thời gian còn lại do chồng chị chạy. Với chị, mặt thuận lợi của nghề tài xế taxi là chủ động được giờ giấc nên chị có thời gian chăm sóc 2 con. Tuy nhiên, chấp nhận đến với nghề này, đồng nghĩa với những rủi ro luôn rình rập. Chỉ hơn 1 năm theo nghề, nhưng cũng không ít lần chị gặp phải những tình cảnh trớ trêu. Một lần vào cuối năm 2017, khi đang đậu xe khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có khách nam gọi chở đến một quán ăn trưa khu vực TP. Buôn Ma Thuột. Dù quãng đường ngắn, nhưng khách cần chị vẫn sẵn sàng đi. Sau bữa ăn trưa khách bảo chị chở về trung tâm huyện Lắk. Hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển gần 60 cây số, khi đến trung tâm huyện vị khách này yêu cầu chị dừng xe để đi vệ sinh.
Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút, chờ mãi không thấy khách quay lại, chị đi bộ dáo dác tìm trong vô vọng. Trong cái rủi có cái may, chị vô tình gặp được 1 người bạn làm công an khu vực tại huyện Lắk, rồi kể lại sự việc. Chỉ hơn 10 phút sau, chị đã tìm được vị khách nọ đang đi về hướng xã Đắk Liêng, lúc đó chị mới lấy được tiền chạy xe. Sau này chị mới được biết, vị khách mà chị chở là đối tượng thuộc diện theo dõi của công an lâu nay! Không chỉ khách nam, trong những chuyến xe, chị cũng gặp một số rắc rối từ khách nữ. Chị nhớ cách đây 2 tháng, chị chở 2 hành khách nữ từ đường Mai Thị Lựu về đường Phan Huy Chú (TP. Buôn Ma Thuột) và ngược lại. Tổng số tiền xe hôm đó hết 150 nghìn đồng, nhưng sau khi xuống xe, khách dúi vào tay chị chỉ có 70 nghìn và nói “Lấy hay không thì tùy, gia đình tôi chỉ còn chừng này tiền”. Thế là chị đành “ngậm bồ hòn” quay đầu xe ra về. Số tiền của chuyến xe hôm đó tuy không nhiều, nhưng thái độ của hành khách khiến chị cảm thấy tủi thân.
Vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng những tài xế nữ như em Dương, chị Mười và một số nữ xế khác ở các đơn vị taxi trên địa bàn tỉnh vẫn cần mẫn, tận tình chở khách trên những cung đường. Và vẫn ngày ngày đối mặt với những rủi ro...
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc