Multimedia Đọc Báo in

Những "mái ấm" cho trẻ em nghèo

14:25, 10/10/2018

Bằng sự tâm huyết và tấm lòng vì trẻ thơ, những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) tỉnh đã kêu gọi, vận động các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ xây dựng nhà Tình thương cho trẻ em nghèo. Qua đó đã tạo động lực, niềm tin để các em vượt qua khó khăn, hướng đến tương lai tươi sáng.

Những ngày này, em Lục Thị Thắm (10 tuổi, ở thôn 6, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) không khỏi vui mừng, háo hức khi lần đầu tiên được sống trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp mà bấy lâu nay em hằng mơ ước. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà còn thơm mùi vôi vữa, em Thắm kể: Bố mất sớm từ khi em còn nhỏ, mọi việc trong nhà oằn lên đôi vai mẹ. Chẳng bao lâu sau mẹ em lại phát hiện bị ung thư niêm mạc má, cuộc sống vốn đã thiếu trước hụt sau càng chồng chất khó khăn. Mọi chi phí sinh hoạt, chữa bệnh đều trông cậy vào khoản hỗ trợ hộ nghèo và sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Mặc dù nhà dột nát từ lâu nhưng cảnh nhà nghèo khó mẹ con em chẳng dám nghĩ đến chuyện xây nhà mới. Được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và các nhà hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà mới, mẹ con em mừng lắm. Từ nay, gia đình em sẽ không còn lo cảnh hứng dột, chạy mưa trong căn nhà dột nát như trước nữa. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ lại sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người.

Đại diện các đơn vị trao bảng tượng trưng tài trợ xây nhà cho gia đình em Sùng Xuân Thái.
Đại diện các đơn vị trao bảng tượng trưng tài trợ xây nhà cho gia đình em Sùng Xuân Thái.

Hai anh em Sùng Xuân Thái (16 tuổi), Sùng Thị Xuân (14 tuổi) ở thôn 7, xã Cư San, huyện M’Đrắk cũng trong tâm trạng háo hức khi bước chân vào căn nhà còn thơm mùi vôi vữa do Quỹ BTTE tỉnh vận động các nhà hảo tâm xây tặng. Hai em mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được người anh họ cưu mang, nhưng gia đình anh cũng là một trong số những hộ nghèo của thôn, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, lo cái ăn, cái mặc đã khó, không ai dám mơ đến có ngày được ở trong căn nhà đẹp đẽ, vững chãi này. May mà có sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người, bây giờ mơ ước của hai em mới thành hiện thực.

Theo ông Lâm Đình Nhiên, Giám đốc Quỹ BTTE tỉnh, thời gian tới Quỹ BTTE tỉnh sẽ tiếp tục kết nối và kêu gọi các mạnh thường quân, tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ xây dựng điểm trường mẫu giáo, nhà Tình thương cho trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cũng như thực hiện phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật dị tật vận động, sứt môi hở hàm ếch cho trẻ em nghèo trên địa bàn.

Em Lục Thị Thắm và anh em Sùng Xuân Thái, Sùng Thị Xuân chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ về nhà ở kịp thời. Để có được kết quả ấy, những năm qua, Quỹ BTTE tỉnh đã không ngừng tìm kiếm nguồn lực từ các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà ở cho trẻ em nghèo, trẻ mồ côi có khó khăn về nhà ở. Ông Lâm Đình Nhiên, Giám đốc Quỹ BTTE tỉnh cho biết: Hầu hết các trường hợp được hỗ trợ về nhà ở đều có hoàn cảnh hết sức éo le. Vì thế, để nguồn tài trợ đi đúng địa chỉ, tạo được hiệu quả, Quỹ đã trực tiếp thu thập thông tin từ các địa phương, rà soát, xem xét từng trường hợp cụ thể và đề ra phương án hỗ trợ, trong đó ưu tiên các trường hợp trẻ em mồ côi ở trong nhà dột nát.

Lãnh đạo Quỹ BTTE tỉnh và đại diện chính quyền địa phương trao bảng tượng trưng tài trợ xây nhà cho mẹ con em Lục Thị Thắm trước ngôi nhà mới.
Lãnh đạo Quỹ BTTE tỉnh và đại diện chính quyền địa phương trao bảng tượng trưng tài trợ xây nhà cho mẹ con em Lục Thị Thắm trước ngôi nhà mới.

Với cách làm đầy trách nhiệm ấy, thời gian qua Quỹ BTTE tỉnh đã kết nối các nhà tài trợ - những tấm lòng vàng đến với những địa chỉ khó khăn, không chỉ giúp các em nhỏ có được “mái ấm” vẹn tròn mà còn nhen lên ngọn lửa hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2018, Quỹ đã vận động các mạnh thường quân là Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Quỹ Từ thiện Kim Oanh (tỉnh Bình Dương) hỗ trợ xây dựng 11 nhà Tình thương cho trẻ em mồ côi tại các huyện M’Đrắk, Ea H’leo, Krông Búk, Cư Kuin, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột với tổng kinh phí 550 triệu đồng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.