Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong giải quyết người lang thang, xin ăn

11:25, 12/10/2018

Sau hơn 2 năm hoạt động, Tổ chuyên trách giải quyết người lang thang, xin ăn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu số người lang thang, xin ăn tại các khu vực công cộng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm vấn nạn này.

Theo số liệu từ Tổ chuyên trách giải quyết người lang thang, xin ăn TP. Buôn Ma Thuột, kể từ khi tổ được thành lập đi vào hoạt động (tháng 8-2016) đến nay, đã có 241 lượt người lang thang, xin ăn tại các ngã ba, ngã tư, chợ, siêu thị... bị phát hiện, xử lý. Trong đó, Tổ chuyên trách đã nhắc nhở 42 trường hợp, bàn giao cho gia đình và thông báo cho UBND các xã, phường để có biện pháp giáo dục, quản lý tại cộng đồng; 199 trường hợp người già, người tàn tật, trẻ em, người không xác định nơi cư trú được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để nhận được trợ giúp về nơi ăn, ở, chăm sóc sức khỏe trong thời gian xác minh thông tin thân nhân. Trong quá trình sàng lọc, phân loại đối tượng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực phối hợp với các xã, phường xử lý nghiêm các đối tượng giả dạng khuyết tật, thanh niên nghiện game, nghiện ma túy. Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng đã có biện pháp trợ giúp kịp thời những trường hợp khó khăn thực sự như: mắc bệnh hiểm nghèo, kiệt sức, người tâm thần đi lạc không nhớ được nơi cư trú... Nhờ đó, số đối tượng từ các tỉnh thành khác hoặc giả dạng tàn tật để xin tiền trên đường phố và nơi công cộng đã giảm hẳn.

Cán bộ  Trung tâm  Bảo trợ  xã hội tỉnh (bên trái)  tìm hiểu  thông tin  nhân thân  của một người lang thang,  xin ăn.
Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (bên trái) tìm hiểu thông tin nhân thân của một người lang thang, xin ăn.
 

“Từ khi Tổ chuyên trách bắt đầu hoạt động đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã tiếp nhận nuôi dưỡng 199 lượt người lang thang, xin ăn. Trong đó, chỉ có 8 trường hợp được nhận nuôi dưỡng lâu dài. Các trường hợp còn lại do xác định được người thân có trách nhiệm nuôi dưỡng và địa chỉ cư trú nên chỉ tiếp nhận nuôi dưỡng tạm thời với thời hạn không quá 90 ngày”.

 

Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều trường hợp đã xác định được nơi cư trú tại địa bàn thành phố, có người thân đến bảo lãnh, nhưng vẫn thường xuyên tái diễn hành vi. Cụ thể, có nhiều trường hợp người lang thang, xin ăn bị đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội đến 6, 7 lần. Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, trong quá trình xác minh nhân thân, cán bộ phụ trách công tác quản lý người lang thang, xin ăn của Trung tâm phát hiện nhiều trường hợp trẻ em không nhận được sự chăm sóc từ gia đình do cha mẹ ly hôn, người già và người tàn tật bị người thân xa lánh, ngược đãi. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận nuôi dưỡng lâu dài cho 8 đối tượng do Tổ chuyên trách phát hiện, gồm: 2 trẻ em không xác định được nhân thân, 3 người tâm thần, 1 người khuyết tật và 2 người cao tuổi không nơi nương tựa; các đối tượng còn lại chỉ tiếp nhận nuôi dưỡng tạm thời trong thời gian không quá 90 ngày. Như vậy, số người đủ điều kiện nuôi dưỡng lâu dài chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng người Trung tâm tiếp nhận từ Tổ chuyên trách. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất nuôi dưỡng tạm thời người lang thang, xin ăn của Trung tâm vẫn còn hạn chế nên gây nhiều khó khăn cho công tác tiếp nhận các đối tượng do Tổ chuyên trách bàn giao, nhất là những người có biểu hiện rối loạn tâm trí, tâm thần.

Có thể thấy, việc tiếp nhận nuôi dưỡng tạm thời nhiều lần đối với người thường xuyên tái diễn lang thang, xin ăn như hiện nay chỉ là cách linh động để giải quyết khó khăn trước mắt về nơi ăn chốn ở cho họ. Trách nhiệm chăm sóc những đối tượng này thuộc về gia đình và người thân theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường vai trò, trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình đối với các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương như trẻ em, người già, người khuyết tật; nâng cao công tác giám sát, quản lý của chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương; ưu tiên trợ giúp, giáo dục những đối tượng thường xuyên tái diễn lang thang, xin ăn ngay tại cộng đồng nơi cư trú để hướng họ vào những hoạt động phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, điều kiện sức khỏe. Đồng thời, tích cực truyền thông để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách về giải quyết người lang thang, xin ăn, hạn chế tình trạng cho tiền các đối tượng này trên đường phố và nơi công cộng.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc