Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở xã Ea Knuếch

10:06, 27/11/2018

Những năm qua, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Êđê ở xã Ea Knuếch (huyện Krông Pắc) đang được khôi phục và ngày càng phát triển khi lớp trẻ các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã luôn hào hứng tham gia vào các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm.

Từ nỗ lực giữ nghề của người già

Đến buôn Kreh B, chúng tôi được gặp bà H’Thoan Niê, một người già có nhiều tâm huyết với việc lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trong ngôi nhà dài của gia đình, công việc chính hằng ngày của bà là dệt các sản phẩm như váy, áo, khố, khăn địu, chăn… để bán. Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm nhưng nhìn đôi tay thoăn thoắt dệt từng đường chỉ của bà mới thấy được niềm đam mê và tình yêu đối với nghề truyền thống của dân tộc mình.

Không nói và hiểu được tiếng Kinh, nên khi được hỏi về công việc hằng ngày này, bà H’Thoan phải nhờ ông Y Phôn Kpơr (Trưởng buôn Kreh B) làm phiên dịch. Được biết, từ lúc còn nhỏ bà đã dệt thành thạo nhiều sản phẩm để phục vụ cho các thành viên trong gia đình. Lớn lên, mỗi ngày sau khi hoàn thành công việc nương rẫy bà lại ngồi bên khung cửi để dệt khăn, váy bán cho người quen. Cứ thế, tay nghề dệt thổ cẩm của bà được nhiều người biết đến nên dần dần bà dành trọn thời gian trong ngày để dệt bởi lượng khách hàng tìm đến đặt mua sản phẩm ngày càng nhiều. Chính những nét đẹp, sự tinh tế và sắc sảo, phong phú của nhiều loại hoa văn được bà thể hiện trên từng sản phẩm từ hình vuông, hình tròn tới những loại hoa văn lớn hơn như hoa, chim, cá… đã khiến sản phẩm bà làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Đến nay, bà H’Thoan không còn nhớ mình đã dệt được bao nhiêu tấm thổ cẩm, chỉ biết rằng từ gần 10 năm nay, nghề dệt thổ cẩm trở thành công việc chính và là nguồn thu chủ yếu của gia đình bà.

Bà H'Dơn tranh thủ lúc nông nhàn để dệt chiếc khăn địu cho con cháu.
Bà H'Dơn tranh thủ lúc nông nhàn để dệt chiếc khăn địu cho con cháu.
 

"Từ năm 2014 đến nay, địa phương đã mở được 6 lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm với hơn 200 học viên là phụ nữ và thanh niên ở 6 buôn tham gia học. Trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xin mở thêm 1 lớp dạy nghề dệt ở buôn còn lại”. 

 
 
Bà H’Minh Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knuếch

Với bà H’Dơn Bkrông (buôn Kreh A), từ năm 18 tuổi đã mê mẩn hình ảnh các bà, mẹ ngồi bên khung dệt và bắt đầu làm quen với nghề từ những sản phẩm đơn giản. Đến khi lập gia đình riêng, mọi vật dụng trong nhà từ chiếc khăn địu, cái chăn, những bộ áo quần của con cũng đều do bà tự tay dệt lấy. Sau này, do cuộc sống quá khó khăn, chồng mất sớm nên bẵng một thời gian dài bà phải gác lại niềm đam mê dệt thổ cẩm để chăm sóc nương rẫy, ruộng vườn lo cho 6 người con ăn học. Bây giờ, đã bước sang tuổi 60, con cái cũng có cuộc sống ổn định, không phải lo về kinh tế nữa nên bà H’Dơn lại dành thời gian để dệt những cái váy, áo, khố, khăn địu cho các cháu của mình. Không những thế, bà còn động viên người con gái thứ tư trong nhà tham gia vào lớp học nghề dệt để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đến những lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm

Xã Ea Knuếch có 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Số người già biết dệt thổ cẩm ở các buôn tuy vẫn còn nhưng ngày càng ít đi. Trước thực trạng này, những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm cho người dân. Trong đó, việc phối hợp với các ban, ngành, đơn vị để mở những lớp đào tạo nghề dệt cho lao động nông thôn được đặc biệt chú trọng.

Bà H'Thoan dệt bộ váy áo của khách hàng đặt.
Bà H'Thoan dệt bộ váy áo của khách hàng đặt.

Em H’Thanh Tình Ayun (buôn Kreh A) chia sẻ: "Từ nhỏ khi thấy người già trong buôn ngồi dệt em đã rất thích nhưng không có cơ hội để học. Do đó, khi nghe buôn trưởng thông báo về lớp học nghề dệt thổ cẩm em đã đăng ký học. Sau 3 tháng được truyền đạt những kiến thức cơ bản về nghề dệt thổ cẩm và được thực hành trực tiếp trên khung dệt, em đã tự dệt một số sản phẩm như túi ví, khăn địu, áo váy...". Hay như chị H’Lát Êban (buôn Kreh B), năm 2017, khi có lớp dạy nghề dệt mở ở buôn chị cũng đăng ký học. Bây giờ tranh thủ những lúc nông nhàn, chị lại ngồi dệt các vật dụng, áo quần cho chồng, con. Theo chị H’Lát, dệt thổ cẩm tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mẩn đến từng chi tiết nên hễ có thời gian rảnh rỗi thì chị và những phụ nữ khác trong buôn lại miệt mài bên khung cửi.

Được biết, hiện nay do gặp nhiều khó khăn trong đầu ra sản phẩm nên hầu hết phụ nữ ở các buôn tham gia các lớp học nghề dệt chỉ để thỏa niềm đam mê cũng như phục vụ nhu cầu của gia đình chứ chưa kinh doanh được. Do đó, để thu hút họ gắn bó và đam mê giữ nghề truyền thống rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành trong việc tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.