Multimedia Đọc Báo in

Mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ mình

07:31, 23/11/2018

Sau 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tình trạng bạo lực gia đình tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, rất cần sự lên tiếng của người trong cuộc...

Mỗi khi nhắc lại chuyện bị chồng bạo hành về tinh thần, bà Trần Thị B. ở thôn 4, xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) không cầm được nước mắt. Chung sống với nhau đã có 3 mặt con nhưng sau mỗi lần uống rượu, chồng bà B. lại chửi bới cả đêm. Tình trạng này kéo dài khiến bà B. buồn bực uống thuốc sâu tự tử. May mắn được người con trai phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên bà B. vẫn giữ được mạng sống. “Bây giờ mỗi khi uống rượu ổng cũng chửi bới, nhưng ít hơn. Mình chịu đựng mãi quen rồi, giờ mà nói ra thì khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, con cái sẽ buồn thêm”, bà B. nghẹn ngào.

Tương tự là trường hợp bà Nguyễn Thị L. cùng ở thôn 4, xã Quảng Điền, mỗi khi chồng có chút hơi men trong người là bà lại bị mắng chửi, thậm chí còn bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Mỗi lần như vậy, bà L. cũng chỉ biết nhẫn nhịn cho qua chuyện. Bà trần tình: “Vợ chồng ở với nhau thế nào chả có lời qua tiếng lại, nhưng mình là phụ nữ thì luôn chịu thiệt thòi, có bị chồng chửi, chồng đánh vài cái cũng ráng mà chịu vì con”.

Cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Krông Ana (bìa trái) tìm hiểu hoạt động của Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana.
Cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Krông Ana (bìa trái) tìm hiểu hoạt động của Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana.

Không chỉ tại xã Quảng Điền mà tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Krông Ana. Theo khảo sát của Hội LHPN huyện Krông Ana từ năm 2007 đến nay, có hơn 90% nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ, trong đó có 70% nạn nhân bị bạo hành thể xác và tinh thần, 15% không được chồng quan tâm và bị cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội, số còn lại bị ép buộc mang thai hoặc phá thai ngoài ý muốn. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống bạo lực gia đình, các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình chưa đạt hiệu quả. Công tác hòa giải mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ gia đình chưa kịp thời. Thêm vào đó, một số gia đình có đời sống còn khó khăn, nhận thức của các thành viên còn hạn chế, vẫn giữ tính gia trưởng, phong kiến. Bên cạnh đó, một phần là do tâm lý e ngại nên nhiều nạn nhân bị bạo lực gia đình không báo lên các cấp chính quyền để được bảo vệ quyền lợi.

Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện Krông Ana xảy ra 687 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 151 vụ bạo lực tinh thần, 335 vụ bạo lực thân thể, 110 vụ bạo lực tình dục, 91 vụ bạo lực kinh tế.

Để đưa Luật Phòng chống bạo lực gia đình vào cuộc sống, huyện Krông Ana đã phối hợp thành lập 1 mô hình phòng chống bạo lực gia đình với 5 câu lạc bộ tại xã Quảng Điền; tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ hội, hội viên phụ nữ, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, gia đình hạnh phúc… Bên cạnh đó, huyện đã thành lập 77 tổ hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2008 đến nay, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 244 vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện. Đặc biệt, đầu tháng 10-2018, UBND huyện Krông Ana đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành lập và ra mắt Mô hình Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh tại xã Bình Hòa. Đây là nơi tạm lánh khẩn cấp, chăm sóc y tế, tư vấn pháp luật, ổn định tâm lý cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (bìa phải) gặp gỡ, trò chuyện, nắm bắt tâm tư của hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (bìa phải) gặp gỡ, trò chuyện, nắm bắt tâm tư của hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Có thể nói, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn huyện, nhận thức của người dân đã được nâng lên, vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thành Huế, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện, Phó Trưởng ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình huyện Krông Ana, công tác tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình vẫn chưa đến được từng gia đình; chi bộ, ban tự quản, mặt trận chưa chú trọng nhiều đến công tác này, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành thì người trong cuộc, nhất là các nạn nhân cần tự trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật và mạnh dạn lên tiếng bảo vệ mình.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.