Huyện Cư M'gar: Nỗ lực ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Trong thời gian qua, huyện Cư M'gar đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và bước đầu đã cho thấy những chuyển biến tích cực.
Xã Cư M’gar là một trong những điểm “nóng” của huyện Cư M’gar về tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong vòng 4 năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng xảy ra khoảng 10 trường hợp tảo hôn, đặc biệt có năm lên đến 20 trường hợp. Đây chỉ những con số thống kê được, còn trên thực tế có thể cao hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, ngoài lý do thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản dẫn đến có thai ngoài ý muốn, buộc gia đình phải tổ chức đám cưới thì còn do người dân vẫn có quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu…
Cán bộ, cộng tác viên dân số xã Ea Kuêh (thứ hai từ trái sang) tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho người dân. |
Trước tình trạng đó, các cấp chính quyền xã Cư M'gar và ngành dân số huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.
Ông Nguyễn Quang Dáp, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết: “Ngăn chặn tảo hôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được địa phương xác định để nâng cao dân trí, đời sống và chất lượng dân số. Xã đã chủ động lồng ghép hoạt động tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, trường học và những người uy tín tại các thôn, buôn giúp người dân nâng cao nhận thức, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số về những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết. Đồng thời, tích cực theo dõi, phát hiện, kết hợp cả những biện pháp răn đe, xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, địa phương đã xử lý 2 trường hợp tảo hôn. Có những trường hợp có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi nhưng nhờ được thuyết phục, vận động, đã đồng ý hoãn đến khi cặp vợ chồng đủ tuổi". Nhờ vậy, nạn tảo hôn đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã Cư M'gar chỉ ghi nhận 3 trường hợp tảo hôn (giảm 7 trường hợp so với năm 2017).
Đối với xã Quảng Hiệp, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Trước đây, tảo hôn như một “phong trào” trên địa bàn xã; mỗi năm có từ 10 – 13 trường hợp kết hôn chưa đủ tuổi, xảy ra cả ở cộng đồng người dân tộc thiểu số và cả người Kinh. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, tình trạng tảo hôn trên địa bàn đã được kiềm giảm. Nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ đã được nâng lên rất nhiều, nhất là đối tượng thanh thiếu niên”.
Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư M'gar tổ chức nói chuyện chuyên đề về dân số sức khỏe sinh sản tại buôn Xê Đăng, xã Ea Kuêh. |
Với sự nỗ lực của chính quyền các địa phương, số lượng các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Cư M'gar, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã giảm rõ rệt. Theo thống kê của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư M’gar, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện ghi nhận được 50 cặp tảo hôn, giảm 62 cặp so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều địa phương trước đây là điểm “nóng” về tình trạng này nhưng năm nay đã được kiềm chế và từng bước được đẩy lùi. Đặc biệt, có 5 xã, thị trấn chưa xảy ra tình trạng tảo hôn nào.
Bác sĩ Nguyễn Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư M’gar nhấn mạnh: Để tiến tới xóa bỏ tình trạng này, cấp ủy chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể, đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ, cũng như những hệ lụy của việc tảo hôn, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm...
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc