Multimedia Đọc Báo in

Nuôi heo đất, xóa nhà tạm cho người nghèo

08:43, 14/01/2019

Lần đầu tiên, cán bộ, công chức và người dân xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã tổ chức tích cóp, cùng nhau "nuôi" những chú heo đất nghĩa tình để giúp láng giềng vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Trong những ngày cuối năm 2018, niềm vui đến với gia đình chị Lý Thị Thu (thôn 3) khi được xây lại căn nhà mới. Nhìn căn nhà đang dần hoàn thiện, chị Thu vui mừng chia sẻ, gia đình chị trước nay rất khó khăn, ngôi nhà gỗ ván chỉ vỏn vẹn 20 m2 đã xuống cấp, dột nát.

Nhờ Mặt trận xã hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình chị mới có điều kiện xây mới căn nhà kiên cố diện tích 40 m2, trị giá gần 100 triệu đồng (chị mượn thêm từ bà con, họ hàng). Chị rất xúc động khi được biết số tiền này là sự đóng góp của cán bộ Mặt trận xã và bà con làng xóm. Gia đình chị Thu thuộc hộ nghèo nhiều năm nay, bản thân chị là phụ nữ đơn thân và phải nuôi mẹ già đã 98 tuổi. Cuộc sống 2 mẹ con chỉ dựa vào 2 sào cà phê đã già cỗi và hơn 1 sào lúa. Chị phải đi làm thêm nhiều việc mới có thể trang trải cho cuộc sống. Chính căn nhà mới là động lực cho chị cố gắng làm lụng vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ, viên chức xã Cư Suê đập heo đất trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018.
Cán bộ, viên chức xã Cư Suê đập heo đất trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cư Suê cho biết, năm 2018 Mặt trận xã đã mua cho mỗi phòng, ban, đoàn thể một con heo đất. Hằng ngày, các cán bộ đều dành tiền tiết kiệm bỏ vào heo đất. Chị Trang cho hay, ban đầu khi triển khai mô hình gặp nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng dần dần mọi người hiểu được ý nghĩa của việc làm này, ai cũng vui vẻ khi tận tay bỏ tiền tiết kiệm vào heo đất. Mỗi người một ít với phương châm “góp gió thành bão”, số tiền bỏ vào heo đất tuy không lớn, nhưng ai cũng vui vẻ tham gia.

Khi được Mặt trận xã khởi xướng phong trào nuôi heo đất, nhiều người dân xã Cư Suê đã nhiệt tình hưởng ứng để giúp đỡ cho người nghèo. Điển hình như bà Lý Thị Hòa đã nuôi heo đất gần 1 năm nay và đóng góp được 1 triệu đồng để ủng hộ người nghèo. Bà Hòa chia sẻ, mô hình này dễ thực hiện, lại rất thiết thực và ý nghĩa. Những đồng tiền lẻ giá trị thấp, khó có thể mua được mớ rau, con cá nhưng qua quá trình tiết kiệm lâu dài của nhiều người sẽ tích cóp nên khoản tiền lớn để giúp đỡ các gia đình nghèo.

Chị Lý Thị Thu và mẹ già vui mừng trước căn nhà đang dần hoàn thiện.
Chị Lý Thị Thu và mẹ già vui mừng trước căn nhà đang dần hoàn thiện.

Năm đầu tiên thực hiện mô hình “Nuôi heo đất”, cán bộ, công nhân, viên chức và người dân trong xã đã đóng góp được 41,2 triệu đồng. Mặt trận xã đã hỗ trợ xây nhà cho 1 hộ gia đình với số tiền 30 triệu đồng, ủng hộ 2 nhà Tình thương mỗi nhà 5 triệu đồng. Quan trọng hơn, từ những thành công bước đầu, mô hình đang cho thấy sự lan tỏa khi có thêm nhiều con heo đất được người dân đăng ký nuôi để xây thêm những mái nhà cho người nghèo, thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.