Nhịp cầu kết nối yêu thương
Không ngại khó, ngại khổ đến tận nơi tìm hiểu, lắng nghe, nắm chắc thông tin về những hoàn cảnh nghèo khó, bất hạnh để đăng tải trên mặt báo nhằm kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ, Báo Đắk Lắk còn là “nhịp cầu” mang yêu thương đến với người nghèo.
Chia sẻ khó khăn với học sinh nghèo
Thời tiết Tây Nguyên tháng 9 khá “đỏng đảnh”, quãng đường từ TP. Buôn Ma Thuột đến xã Dang Kang (huyện Krông Bông) khoảng 40 km đầy ổ voi, ổ gà khiến người ngồi trên ô tô không ít lần “thót tim”, nhưng cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Đắk Lắk cùng các đơn vị tài trợ đã có mặt đúng giờ để tham dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019 với thầy và trò Trường THCS Dang Kang.
Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Nguyễn Văn Phú tặng quà động viên học sinh tại một trường học của huyện Krông Bông trước thềm năm học mới. |
Sự háo hức của các em học sinh đã được đền đáp khi tất cả 440 em đều được nhận quà, gồm: vở viết, khăn quàng, dụng cụ học tập (trị giá gần 100 nghìn đồng/suất). Chưa hết, 40 học sinh vượt khó vươn lên học tập trong năm học vừa qua còn được Báo Đắk Lắk, Công ty TNHH Tin học Phước Hải, Hệ thống Raja Yoga trao học bổng (500 nghìn đồng/suất). Cô giáo Hồ Thị Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Dang Kang xúc động chia sẻ: “Một số em học sinh nhà ở rất xa đã nói cha mẹ chở đến trường tham dự Lễ khai giảng từ sáng sớm. Chưa năm học nào 100% học sinh của trường được nhận quà trong ngày khai trường như năm nay. Món quà ý nghĩa của đoàn trao đã thắp sáng niềm tin trong các em học sinh vùng khó rằng bên cạnh các em luôn có cộng đồng xã hội đồng hành”.
Làm công tác từ thiện phải xuất phát từ cái tâm và trách nhiệm. Không chỉ ủng hộ về vật chất mà còn sẻ chia bằng cả tấm lòng, với hy vọng góp một phần nhỏ cùng xã hội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Nguyễn Văn Phú
|
Không chỉ đến với học sinh nghèo huyện Krông Bông, trước thềm năm học mới 2018 - 2019, Báo Đắk Lắk đã phối hợp với một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao 50 suất học bổng (mỗi suất 500 nghìn đồng) và quà tặng học sinh nghèo hiếu học các xã: Bình Hòa, Quảng Điền, Ea Bông, Đray Sáp, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) và buôn Cuôr Kap (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) - đơn vị kết nghĩa với Báo. Ở mùa tựu trường các năm học trước, Báo Đắk Lắk cùng với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential đã tặng quà, trao học bổng cho hàng trăm em học sinh nghèo, chủ yếu là người dân tộc thiểu số của một số trường học ở vùng sâu trong tỉnh. Tuy mức học bổng, giá trị mỗi suất quà còn khiêm tốn, nhưng lại mang ý nghĩa thiết thực nhằm động viên, khích lệ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Hành trình kết nối những tấm lòng
“Niềm hạnh phúc rạng ngời của các em học sinh khi được nhận học bổng, hộ nghèo được tặng nhà tình nghĩa là động lực để chúng tôi kết nối những tấm lòng thơm thảo mang đến niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống cho những hoàn cảnh khó khăn”, Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Nguyễn Văn Phú chia sẻ. Cùng với suy nghĩ không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức trình bày mỗi số báo hằng ngày để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Ban Biên tập Báo Đắk Lắk còn đặt vấn đề: Mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên làm tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao đồng thời là nhịp cầu kết nối tấm lòng của đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân đến với những mảnh đời còn khó khăn. Vì thế nhiều năm qua không ít các cháu có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng. Cũng trong năm 2018, Báo Đắk Lắk cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Đăk Lăk đã trao hai căn nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở buôn Ea Sin (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) và buôn 4B (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo), mỗi căn nhà trị giá 70 triệu đồng.
Nếu như trước kia hoạt động xã hội của Báo chỉ dừng lại với buôn kết nghĩa Cuôr Kap (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột), thì những năm gần đây, Báo Đắk Lắk đã mở rộng phạm vi đến nhiều địa phương trong tỉnh. Để hoạt động từ thiện ý nghĩa, đạt hiệu quả cao, Ban Biên tập Báo cử cán bộ, nhân viên đến tận nơi tìm hiểu thực tế hoàn cảnh đối tượng rồi quyết định hình thức hỗ trợ phù hợp và phát huy được cả nội lực của người thụ hưởng, sự vào cuộc của địa phương.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc