Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc

10:52, 08/03/2019

Hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp Hội Phụ nữ, giúp chị em nâng cao chất lượng cuộc sống, khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Hỗ trợ phát triển kinh tế

Là tấm gương điển hình vượt khó vươn lên làm giàu tại địa phương, chị Dương Thị Dần, hội viên phụ nữ ở thôn 3, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) hiện nay đã xây dựng được mô hình kinh tế ổn định với thu nhập bình quân mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Trước đây gia đình chị Dần thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Năm 1995, thấy hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn, Chi hội Phụ nữ thôn 3 xét cho vay 2 triệu đồng từ nguồn “Góp vốn quay vòng” và 5 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để trồng cà phê nhưng mô hình chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đến năm 2011, tiếp tục được vay thêm 5 triệu đồng từ Chi hội Phụ nữ thôn 3, đồng thời vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Dần quyết định phá bỏ vườn cà phê để trồng hơn 200 cây sầu riêng Dona. Được Hội tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham quan học tập các mô hình hiệu quả, chị Dần áp dụng chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình phát triển tốt, cho năng suất cao và nguồn thu nhập ổn định. Từ thành công của mình, chị Dần đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và hỗ trợ cho 2 chị trong thôn vay 40 triệu đồng không lấy lãi để phát triển kinh tế, cùng nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham quan mô hình khởi nghiệp trồng rau thủy canh của hội viên phụ nữ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham quan mô hình khởi nghiệp trồng rau thủy canh của hội viên phụ nữ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana.

Với Hội LHPN huyện Ea Súp, ngoài việc hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ tại địa phương, năm 2018, Hội đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã tinh dầu sả Phát Đạt tại xã Ya Tờ Mốt với vốn điều lệ gần 300 triệu đồng. Hợp tác xã gồm 9 thành viên đều là người dân tộc Thái. Ngoài chế biến tinh dầu sả nguyên chất để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh thì Hợp tác xã còn là nơi để các thành viên giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.

Chị Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho hay: “Đây là Hợp tác xã đầu tiên do phụ nữ làm chủ, đặc biệt hơn nữa là phụ nữ dân tộc thiểu số. Qua mô hình này cho thấy, phụ nữ huyện Ea Súp nói chung, phụ nữ xã Ya Tờ Mốt nói riêng đã và đang mạnh dạn sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, phát triển mô hình kinh tế hợp tác, góp phần thực hiện phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và hai cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Cung cấp kiến thức, kỹ năng

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ (CLB) phụ nữ. Đây là cách làm hiệu quả trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình.

 
“Bằng những hoạt động thiết thực và cụ thể của các cấp hội phụ nữ, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước giúp hội viên nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình phát triển bền vững”.
 
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường

Thành lập từ năm 2012, CLB Tứ đức (CLB) của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 8, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang phát huy được hiệu quả thiết thực, góp phần thu hút ngày càng đông chị em tham gia sinh hoạt Hội, là nơi giao lưu, sinh hoạt, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống. Chị Trịnh Minh Huệ, thành viên CLB chia sẻ: “Tham gia CLB, các thành viên được tìm hiểu và thảo luận sâu về các phẩm chất đạo đức truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam cũng như những phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ đổi mới đất nước, từ đó chị em không chỉ phát hiện ra điểm mạnh để tiếp tục phát huy và điểm yếu để khắc phục mà còn trở thành tuyên truyền viên, tham gia tư vấn, hòa giải về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

CLB Kết nối mẹ và con gái ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc ra đời từ nhu cầu thiết yếu của các bậc cha mẹ muốn trở thành “người bạn” tin cậy để con cái gần gũi, tâm sự, chia sẻ mọi sự quan tâm, lo lắng. Sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần, CLB đã trang bị cho các bà mẹ những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tìm hiểu tâm lý lứa tuổi dậy thì, cách chia sẻ, tâm sự với con tuổi mới lớn, giáo dục kỹ năng sống tuổi vị thành niên, đồng thời có thêm kỹ năng để hiểu và tiếp cận con một cách tốt hơn, tạo sự gắn kết giữa mẹ và con gái.

Đại diện Hội LHPN huyện Ea Súp giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Phát Đạt tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp  năm 2018.
Đại diện Hội LHPN huyện Ea Súp giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Phát Đạt tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều mô hình, CLB hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc do Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh thành lập và quản lý. Đa số các mô hình, CLB không chỉ được xây dựng dựa trên nhu cầu và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương mà còn được Hội định hướng lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động hội viên chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Hình thức sinh hoạt cũng được đổi mới bằng nhiều hoạt động như nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, liên hoan văn nghệ, hội thi, hội diễn.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.