Multimedia Đọc Báo in

Mẹ bệnh hiểm nghèo, em bé 8 tháng tuổi khát sữa

08:56, 09/05/2019

Hơn nửa năm nay, người dân buôn Kna B, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) ai cũng thương xót cho hoàn cảnh cháu bé Y Mô Thoang Niê (8 tháng tuổi) thường xuyên khát sữa.

Mẹ cháu Y Mô Thoang là H’Đoen Niê (SN 1992). Trước đây, chị H'Đoen khỏe mạnh, làm việc đồng áng bình thường. Nhưng từ khi chị sinh con thứ hai là Y Mô Thoang thì sức khỏe suy sụp. Khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh, chị bàng hoàng khi biết mình bị bệnh ung thư máu giai đoạn cuối. Điều trị ở bệnh viện hơn một tháng không tiến triển, chị H'Đoen được đưa về nhà, thuê máy thở ôxy kéo dài sự sống.

 Anh  Y Diôc  vừa  địu con vừa  chăm vợ bệnh.
Anh Y Diôc vừa địu con vừa chăm vợ bệnh.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, đất đai không có, vợ chồng chị H'Đoen phải đi làm thuê hằng ngày kiếm sống. Từ khi vợ mắc bệnh, chồng chị là anh Y Diôc Ayun (SN 1987) phải ở nhà chăm vợ bệnh và con nhỏ không đi làm thuê được, không có tiền mua gạo, mua thuốc cho vợ và sữa cho con, hàng xóm thương tình ai cho gì ăn nấy. Không có sữa mẹ, cũng không được uống sữa dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, bố chỉ đủ tiền mua sữa đặc có đường cho con nên cháu Y Mô Thoang thường xuyên bị bệnh đường ruột, tiêu hóa. “Nhiều đêm con đói khát, khóc ngằn ngặt không thôi, nằm bên cạnh là người vợ bệnh đang chịu từng cơn đau hành hạ, thương vợ con, tôi chỉ biết ôm con nén từng giọt nước mắt vào lòng”, anh Y Diôc tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Cư M’gar cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục xin hỗ trợ gia đình khó khăn đột xuất bằng nguồn kinh phí vì người nghèo của địa phương. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ cũng không thấm vào đâu so với hoàn cảnh éo le của gia đình, cháu bé thì lại còn quá nhỏ, cần phải giúp đỡ lâu dài”.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.