Multimedia Đọc Báo in

Vợ chồng nghèo mong có tiền chữa bệnh cho con

09:07, 20/05/2019

Vốn đã nghèo, gần đây hoàn cảnh gia đình anh Võ Tấn Vinh (41 tuổi) và chị Lê Thị Thu (33 tuổi) ở thôn 1, xã Ea Pil, huyện M'Đrắk càng bi đát hơn khi cô con gái Võ Thị Thùy Hiền (học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong) mắc bệnh hiểm nghèo.

Vợ chồng anh Vinh và chị Thu có 4 đứa con. Do không có đất sản xuất, hằng ngày anh Vinh phải làm thuê đủ mọi việc như: bóc vỏ cây keo, chặt mía, bốc vác, phụ hồ để kiếm tiền nuôi con. Chị Thu chủ yếu ở nhà chăm sóc các con nhỏ.

Vợ chồng anh Vinh, chị Thu và các con.
Vợ chồng anh Vinh, chị Thu và các con.

Năm 2017, cháu Võ Thị Thùy Hiền – cô con gái thứ ba của anh chị mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Từ khi con mắc bệnh, anh Vinh và chị Thu thường xuyên nghỉ việc để đưa con đi tái khám, lấy thuốc điều trị cho cháu. Nhưng mấy tháng gần đây, bệnh tình của cháu Hiền trở nặng và có biểu hiện xuất huyết niêm mạc, ảnh hưởng đến thị giác, anh chị phải bỏ việc để đưa con đi điều trị dài ngày tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tuy thuộc diện hộ nghèo, cháu được bảo hiểm y tế chi trả 100% nhưng nhiều loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm phải mua, rồi chi phí ăn ở, đi lại cũng khiến kinh tế gia đình anh Vinh ngày càng khốn khó. Anh Vinh bộc bạch: "Gia đình đã bán hết những tài sản có giá trị trong nhà và nhờ anh em gom góp tiền đưa cháu đi điều trị. Nhưng thời gian điều trị bệnh cho cháu kéo dài, người thân, hàng xóm láng giềng ai cũng nghèo khó. Chúng tôi không biết xoay xở đâu ra tiền để đưa cháu lên tuyến trên điều trị".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng thôn 1, xã Ea Pil cho biết, Ban tự quản thôn đã vận động nhân dân địa phương giúp đỡ, hỗ trợ gia đình anh Vinh chữa bệnh cho con song nguồn lực có hạn, rất mong những tấm lòng hảo tâm mở rộng vòng tay giúp đỡ để gia đình anh Vinh có điều kiện chữa bệnh cho con và vượt qua hoàn cảnh khó khăn này.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.