Huyện Cư Kuin đẩy mạnh xã hội hóa công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Cư Kuin hiện có dân số hơn 107.000 người, trong đó trên 17.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản.
Thực hiện Quyết định số 818/QÐ-BYT, ngày 13-3-2015 của Bộ Y tế về phê duyệt Ðề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt là Đề án 818), những năm qua, huyện Cư Kuin đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi sinh sản sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, góp phần thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGD trên địa bàn huyện.
Chị Nguyễn Thị Liên, cộng tác viên dân số thôn 5, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (bên phải) giới thiệu các biện pháp tránh thai cho người dân. |
Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư Kuinđã tiến hành rà soát, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, số người sinh con thứ ba và người có nguy cơ sinh con thứ ba trở lên để có biện pháp tuyên truyền, vận động; tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng truyền thông về PTTT cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số; lựa chọn các PTTT phù hợp để tư vấn, tiếp thị; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Nhiều mô hình truyền thông dân số đã được xây dựng trên cơ sở thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “Không sinh con thứ ba”, Liên đoàn Lao động huyện với phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...
“Ngành Dân số huyện sẽ chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân lựa chọn sử dụng các PTTT thuộc Đề án 818; chú trọng các biện pháp tránh thai hiện đại, hiệu quả; đa dạng hóa PTTT theo phân khúc thị trường để phù hợp với khả năng và điều kiện của từng đối tượng.”
Ông Phạm Huy Nhân, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGD huyện Cư Kuin
|
Chị Hồ Thị Vấn, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Bhốk cho biết, khi triển khai Đề án 818, một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn xã vẫn tồn tại tư tưởng muốn có nhiều con, chưa có thói quen mua PTTT để sử dụng mà vẫn trông chờ được cung cấp miễn phí khiến việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên nhờ cán bộ, cộng tác viên dân số bám sát địa bàn, thường xuyên tuyên truyền nên ý thức của người dân cũng dần được nâng cao, một số gia đình đã chủ động mua và sử dụng các PTTT hiện đại, tham gia khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm dị tật thai nhi.
Với những nỗ lực của ngành Dân số, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có hơn 13.000 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm 74,5% (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có 594 ca triệt sản, 3.558 ca đặt vòng tránh thai, 4.094 ca uống thuốc tránh thai. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm còn 9,9%. Điều đáng mừng là nhiều cặp vợ chồng đã tự giác thực hiện KHHGĐ, tư tưởng muốn sinh nhiều con và phải có con trai đã giảm.
Cán bộ dân số xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) tư vấn về khám sàng lọc trước sinh cho phụ nữ có thai. |
Theo ông Phạm Huy Nhân, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGD huyện, việc xã hội hóa công tác Dân số - KHHGĐ không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng PTTT, từ đó ý thức về xây dựng mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã có những tiến bộ rõ rệt.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc