Multimedia Đọc Báo in

Bếp từ thiện - nối dài tình yêu thương

09:09, 30/07/2019

Với sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân và những mạnh thường quân, nhiều bếp ăn tình thương trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được hình thành góp phần trao những bữa cơm, bát cháo, ổ bánh mì… đủ dinh dưỡng đến tận tay người nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang cần giúp đỡ.

Gần một năm nay, vào các buổi sáng hằng ngày, những bệnh nhân nghèo đang điều trị nội trú tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh đều được đón nhận những phần cháo thơm ngon do chính tay chị Nguyễn Thị Thủy (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) nấu. Xuất phát từ tấm lòng chẳng suy nghĩ thiệt hơn, chỉ mong sao san sẻ bớt khó khăn để bệnh nhân nghèo đỡ tốn kém trong những ngày nằm viện, ngày nào cũng vậy, chị đều đặn nấu nồi cháo thịt miễn phí.

Theo chị, tính ra mỗi nồi cháo cũng bỏ ra khoảng 50.000 đồng và công nấu nhưng lại có thể giúp được từ 20 - 30 suất ăn cho người nghèo để họ vơi bớt khó khăn trong lúc hoạn nạn. Bà H’Rum Byă (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) có chồng đang điều trị tại bệnh viện chia sẻ, chồng bà bị bệnh phổi đã 13 năm nay nên thường xuyên đến bệnh viện để điều trị, chi phí nằm viện và sinh hoạt hằng ngày rất tốn kém. May mắn thay, lần điều trị này gia đình cũng bớt lo một phần chi phí ăn uống nhờ có những tô cháo miễn phí của chị Thủy.

Các tình nguyện viên
Các tình nguyện viên "Bữa cơm xã hội" phường Thống Nhất phục vụ những suất ăn giá rẻ cho người nghèo.

Được biết, hoàn cảnh gia đình chị Thủy hết sức khó khăn, từng trải qua một thời gian dài vất vả nuôi chồng nằm viện nên chị luôn thấu hiểu những phận đời nghèo khó, không may bệnh tật. Hiện nay, để có thể chu toàn cho cuộc sống, nuôi người mẹ già và đứa con gái đang tuổi ăn học, chị thuê một căn nhà cấp 4 gần Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh để bán hàng tạp hóa và bán đồ ăn sáng. Cùng với đó, chị “tiện tay” nấu thêm nồi cháo thịt để sẻ chia khó khăn với những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện.

Từ nhiều năm nay, “Bếp cơm xã hội” ở phường Thống Nhất đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, trẻ em lang thang cơ nhỡ và những người bán vé số, chạy xe thồ, bán hàng rong… Chỉ với số tiền 2.000 đồng, họ có được ổ bánh mì đầy đủ rau, thịt, chả vào buổi sáng thứ 3, thứ 5 và chỉ với 5.000 đồng là có được suất cơm đủ dinh dưỡng rau, thịt, cá vào trưa thứ 7 hằng tuần; riêng những trường hợp đặc biệt khó khăn sẽ được miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Bảy, “khách ruột” của bếp cơm tâm sự, mỗi ngày bà đều đi bán vé số trên các tuyến đường, nên cứ vào thứ sáng thứ 3, 5 và trưa thứ 7 hằng tuần là ghé vào mua bánh mì và cơm để tiết kiệm một phần chi phí sinh hoạt. Chỉ với 5.000 đồng, bà được ăn suất cơm ngon nóng hổi, thịt cá có đủ không thua kém gì các quán cơm ngoài bán từ 15.000 – 20.000 đồng. Hơn thế nữa, các cô, các cháu phục vụ cũng rất vui vẻ, tận tình, chu đáo.

Bữa cơm của các lao động nghèo tại
Bữa cơm của các lao động nghèo tại "Bếp cơm xã hội" phường Thống Nhất.

Theo chị Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, Bếp cơm xã hội do UBND phường kết hợp với các tổ chức hội, đoàn thể của phường đứng ra thực hiện từ năm 2015. Nguồn kinh phí duy hoạt động được kêu gọi xã hội hóa từ các mạnh thường quân; còn việc nấu nướng, phục vụ thì do các tình nguyện viên là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, đoàn viên, thanh niên và cán bộ, đảng viên của phường thực hiện. Trung bình mỗi tháng, Bếp cơm xã hội phục vụ khoảng 1.000 suất cơm và 2.400 ổ bánh mì cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, còn có chương trình thiện nguyện “Dĩa cơm trên tường – Buôn Ma Thuột” do một nhóm bác sĩ gồm 9 thành viên sáng lập từ tháng 9-2016. Mỗi tháng, chương trình cấp trên 7.000 phiếu ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh tại 13 bệnh viện trên địa bàn tỉnh (trị giá mỗi phiếu ăn từ 15.000 - 20.000 đồng). Hay như “Bếp ăn tình thương” tại phường Thành Nhất, mỗi tháng duy trì 180 suất ăn miễn phí giúp những bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh…

Quả thực, những bát cháo, dĩa cơm dù giá trị không lớn nhưng nó đã trở thành động lực, giúp tiếp thêm nghị lực cho những hoàn cảnh không may mắn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chính những người hằng ngày thầm lặng với công việc thiện nguyện, không hề tính toán thiệt hơn đã và đang góp phần nhân rộng, lan tỏa lòng nhân ái, sự đùm bọc của con người với nhau thật đáng quý.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.