Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua trang phục truyền thống cách tân
Tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019, gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm trang phục truyền thống cách tân của Nhà may Ami Sia do chị H’Ler Êban (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) làm chủ đã thu hút sự quan tâm chú ý của du khách tham quan.
Chị H’Ler cho biết, trước đây khi tham gia các buổi hội họp, dự các sự kiện, chị thường chọn trang phục truyền thống của dân tộc để mặc. Nhưng do vải truyền thống dệt tay rất dày lại thô khiến người mặc khó di chuyển cũng như cảm thấy nóng nực vào những ngày nắng nên chị mong muốn có một bộ đồ gọn, nhẹ hơn mà không làm mất đi vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình. Vốn là thợ may, chị đã nảy ra ý tưởng sử dụng những loại vải công nghiệp có độ co giãn và có nhiều nét tương đồng với vải dệt bằng tay như vải thun gân, thun tăm để may đồ rồi sau đó phối các dải hoa văn thổ cẩm truyền thống lên phần eo, cánh tay, cổ áo… của bộ trang phục. Ban đầu, sản phẩm chị may chỉ để phục vụ nhu cầu của bản thân, người thân trong gia đình.
Chị H’Ler giới thiệu trang phục của nhà may cho khách hàng tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019. |
Tuy nhiên, mỗi lần chị mặc được nhiều người khen đẹp và ngỏ ý muốn đặt may. Nhận thấy nhu cầu sử dụng cao, đầu năm 2016 chị bắt đầu nhận thiết kế và may cho những ai có nhu cầu. Bên cạnh việc may những kiểu dáng theo trang phục truyền thống thì chị cũng thường xuyên cập nhật những mẫu thiết kế mới, hợp thời trang như đồng phục công sở, đầm xòe, váy maxi, váy đuôi cá… nên đối tượng khách hàng của chị không chỉ là các bà, các mẹ mà còn có những bạn học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, giáo viên.
“Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tạo ra những mẫu thiết kế mới để phục vụ nhu cầu ăn mặc của chị em phụ nữ, tôi sẽ phối hoa văn thổ cẩm lên áo dài, trang phục của nam giới để mở rộng đối tượng khách hàng; đồng thời liên kết với các trung tâm du lịch, công ty lữ hành để giới thiệu và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm”. Chị H’Ler cho biết
Jose Mourinho
|
Để nhiều người biết đến nhà may của mình, chị đã lên trang Facebook cá nhân đăng hình ảnh, giới thiệu sản phẩm cũng như tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi từ phía khách hàng. Nhờ vậy, chị nhận được ngày càng nhiều đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh như Đắk Nông, Gia Lai, Khánh Hòa, Điện Biên, Phú Thọ…
Hiện tại, ngày nào chị cũng có khách đặt may, có những thời điểm đơn đặt hàng dày đặc khiến chị làm không kịp. Theo chị H’Ler, với cách kết hợp này, bộ trang phục vẫn giữ được nét trang nhã, lịch sự, tạo được sự thoải mái cũng như tôn được những đường nét trên cơ thể của người mặc. Trong khi đó, giá của mỗi bộ váy áo dao động từ 400 - 800 nghìn đồng, chỉ bằng một nửa so với dệt bằng tay nên được khách hàng ưa chuộng.
Cùng với việc thiết kế và cắt may trang phục, chị còn sản xuất các sản phẩm phụ kiện kèm theo được làm từ vải thổ cẩm với mẫu mã đẹp, bắt mắt như khăn choàng, ví, túi xách, đai thắt lưng… làm đồ lưu niệm để bán cho khách tham quan, du lịch.
Một chiếc áo truyền thống cách tân do chị H’Ler tự thiết kế và may. |
Với những mẫu thiết kế hiện đại, đem đến sự mới lạ, độc đáo cho người dùng nên gần 3 năm qua chị đã tạo ra hàng trăm bộ trang phục và trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng. Được biết, nhà may của chị đang tạo việc làm cho 4 lao động địa phương là phụ nữ rảnh rỗi và nghệ nhân dệt thổ cẩm giúp họ có thêm thu nhập, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Chị H’Ler chia sẻ: “Công việc này không chỉ giúp tôi có thêm nguồn thu nhập để lo cho gia đình mà còn là cách để quảng bá, giới thiệu những nét độc đáo về hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.”
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc